Vào trường quay lại phải ngồi rất nghiêm chỉnh 3h liền. Chương trình thường chỉ 30 phút nhưng khách mời phải làm việc 3 giờ liền. Nhà đài cần có nhiều tư liệu để cắt cúp biên tập lại. Vì những lý do đó mà tôi ngại tham gia các chương trình truyền hình. Ngoài ra, bản mặt của tôi còn được phơi lên màn hình ti vi của hàng triệu gia đình. Rồi ai cũng biết, đi ra đường thỉnh thoảng lại có người chỉ trỏ. Tôi không thích làm người của công chúng, chỉ thích làm người của gia đình. Hết giờ làm lại chạy ngay về nhà, quây quần cùng các con bên mâm cơm cuối ngày, sống như thế là an lành nhất.
Vậy mà tôi lại nhận lời mời của Minh Phương để tham gia chương trình của cô, một chương trình bàn về hạnh phúc. Tại sao tôi lại nhận lời? Đơn giản vì Minh Phương xinh đẹp. Đàn ông rất khó từ chối lời đề nghị của một cô gái xinh đẹp. Tôi thức vài tiếng trong đêm để chuẩn bị trước những điều tôi sẽ nói với hàng triệu khán giả. Cái khó khi nói trên truyền hình là tốc độ. Phải nói càng nhanh càng tốt. Thời lượng chương trình có hạn, mình nói chậm là thiệt cho khán giả. Phải nói nhanh nhưng không được sai. Một câu nói sai chỉ vài giây nhưng khán giả sẽ cười cho đến vài năm.
Câu hỏi Minh Phương đặt ra cho tôi tại trường quay là: “Những yếu tố nào làm nên hạnh phúc?”. Một câu hỏi hay nhưng khó, chứng tỏ Minh Phương là một MC thông minh. Người vừa xinh đẹp, vừa thông minh không nhiều lắm. Thường người thông minh thì không đẹp mấy và người xinh đẹp thì không thông minh lắm. Còn Minh Phương thì có cả hai, vừa thông minh vừa xinh đẹp. Với một câu hỏi khó như thế, tôi phải dùng mẹo câu giờ. “Hạnh phúc là một khái niệm vừa trừu tượng vừa cụ thể. Trong khi chúng ta đang ngồi trong trường quay có điều hòa nhiệt độ này thì ở ngoài kia bà bán hàng rong đang mòn dép lê trên đường phố và khản tiếng rao “Ai bánh mỳ, bánh tiêu, bánh rán đây”. Nếu hôm nay bà ấy bán hết gánh quà bánh đó là một hạnh phúc”. Minh Phương cầm bút viết vào tập tài liệu trước mặt tôi 3 chữ: “Không câu giờ”. Sao lại cấm câu giờ? Binh pháp Tôn Tử có kế hoãn binh. Đó là mẹo kéo dài thời gian để chuẩn bị đủ điều kiện tham chiến. Trong cuộc sống đời thường có mẹo câu giờ. Đội đang dẫn bàn trong một trận bóng đá gần kề phút 90 thì không việc gì phải vội vã. Và thế là câu giờ.
(Còn nữa)
Khánh Hoàng/Báo Gia đình & Xã hội
0 nhận xét:
Đăng nhận xét