Nỗi đau thời chiến
Câu chuyện tình của ông Cao Văn Thành, (Sầm Sơn, Thanh Hóa), Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam và bà Phan Thị Kim Song (Hà Tĩnh) cho người đời thấy rằng, tình yêu không phân biệt ngoại hình, không có khoảng cách, chỉ có trái tim hòa nhịp cùng trái tim.
Khi chúng tôi đến, bà Song đang tất bật chuẩn bị bữa cơm tối, còn ông Thành say sưa bên máy tính được cài phần mềm cho người mù dùng. Cuộc sống của người đàn ông ngày cũng như đêm bận bịu so với sự tưởng tượng của người ngoài rất nhiều.
Nay, mái đầu ông bà đã điểm bạc, lúc cười khóe mắt cả hai đã lộ vết chân chim. Cùng nhìn lại 40 năm tay sát vai kề, cả hai mỉm cười mãn nguyện. Ít ai biết được rằng, để có được nụ cười hạnh phúc đó họ đã trải qua bao đắng cay.
Quen nhau dưới mái trường Đại học Bách khoa Hà Nội, bà Song, ông Thành được phân vào cùng nhóm học. Thời bao cấp, khó khăn đủ bề, thiếu thốn cái ăn, cái mặc. Những lần ăn trưa, Bà Song thường nhường phần ăn của mình cho ông bởi đơn giản bà nghĩ con trai có nhu cầu ăn nhiều hơn. Bà đâu biết, từ những hành động nhỏ đó đã khiến chàng trai xứ Thanh mến mình một cách đặc biệt.
Mến nhau từ lâu nhưng ông Thành quyết định giấu kín. Đến năm thứ 3 đại học, năm 1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông nhận nhiệm vụ vào chiến trường. Lúc này, người con trai ấy mới viết những dòng thư ngắn gửi người con gái mình yêu. Trong thư ông viết: “Anh thương em từ lâu, nay anh phải lên đường làm nhiều vụ đất nước giao phó, em ở nhà cố gắng học tốt, đợi anh về nhé!”.
Ông Cao Văn Thành và bà Phan Thị Kim Song. Ảnh: Ngọc Thi
Trong trận đánh ở thành phố Huế, không may ông Thành đã trúng đạn ở bả vai bên phải và đôi mắt. Ban đầu một bên mắt còn nhìn mờ mờ nhưng do không được cứu chữa kịp thời những tia sáng yếu ớt quan sát được từ bên mắt còn lại cũng tắt lịm.
Tình yêu nơi tiền tuyến của đôi bạn trẻ chỉ có những lá thư viết vội, trong đó gồm đôi lời hỏi thăm nhau, bày tỏ sự nhớ nhung. Ngày bị thương, ông chỉ kịp viết một mấy chữ nguệch ngoạc thông báo với người yêu là mình không may gặp nạn, kèm theo đó lời nhắn đừng chờ đợi, hễ gặp được người đàn ông yêu thương mình thật lòng thì gắn bó.
Đôi mắt bị mù, 80% sức khỏe giảm sút do ảnh hưởng từ bom đạn trong kháng chiến chống Mỹ, xếp hạng thương binh hạng 1/4. Chàng trai đầy hoài bão ấy như mất đi toàn bộ tương lai của cuộc đời. Mất đi đôi mắt, đến bản thân còn không chăm sóc được thì làm sao có thể đem lại hạnh phúc cho người mình yêu. Nghĩ vậy, nên ông một lòng một dạ khuyên bà Song bỏ mình.
Đó quả thực là một cú sốc lớn với bà Song, đọc lá thư bà đứng không vững. Cô gái trẻ không thể tưởng tượng được rằng chàng trai nho nhã, thư sinh ăn nói điềm đạm giờ đây không còn đôi mắt.
Nghe tin từ bạn bè biết ông được chuyển ra viện 108 Hà Nội điều trị, gác lại khóa luận tốt nghiệp đang dang dở bà đạp xe đến viện gặp. Nỗi đau của sự tưởng tượng chưa thấm gì khi chứng kiến người yêu quấn đầy băng, mặt ngơ ngác, không nhận ra mình đến. Bà lặng người khi ông nói: “Có phải Song không em”.
Đáp lại, người con gái trẻ chỉ kêu được tiếng “anh” chưa dứt lời rồi chìm trong tiếng khóc nấc. Họ trao nhau cái ôm vội vã, đau thương. Bao kỷ niệm thời sinh viên, những dòng nhắn gửi qua thư ùa về. Hơn ai hết, bà hiểu rõ mình không thể bỏ người yêu, ngược lại khát khao chăm sóc, bù đắp lớn dần trong bà.
Vợ kiêm tài xế
Tình cờ, bà Song đọc được những dòng nhật ký người yêu viết: “Mình đã mất đi đôi mắt, đến với mình cô ấy sẽ khổ. Lý trí mình khuyên cô ấy rời, còn con tim thì bảo không”. Bà hiểu sự mâu thuẫn trong con người ông, không đắn đo suy nghĩ, bà nguyện gắn bó với người đàn ông mù đến hết đời.
Ngày cả hai về thưa chuyện với bố mẹ hai bên, gia đình nhà gái thương cảm với chàng trai bất hạnh nhưng họ không tin tưởng để gửi gắm cô con gái bé bỏng. Hơn nữa, con gái của họ là một kỹ sư mới ra trường, nhan sắc xuân ngời, hoàn toàn có cơ hội để gắn bó với những người có điều kiện hơn.
Ngăn cản như vậy, biết cô con gái một khi đã quyết thì khó thay đổi, hai nhà làm mấy mâm cỗ nhỏ tuyên bố chính thức đôi bạn trẻ nên nghĩa vợ chồng. Cả hai dọn về sống tại quê nhà Thanh Hóa. Ngày đăng ký kết hôn cả hai mới biết họ cùng sinh 2/2/1951.
Để có tiền trang trải cuộc sống, ngày đi làm nhà máy, tối đến nhận lạc về bóc kiếm thêm đồng nào hay đồng đó, bà Song còn nuôi lợn, trồng rau cải thiện kinh tế. Thiếu thốn đủ bề, bà Song một mình cáng đáng. Bán con lợn thứ nhất bà mua cái bàn, bán con thứ hai bà mua xe đạp… Khổ cực vậy nhưng họ vẫn vui vẻ, hạnh phúc.
Nỗi khổ do gánh nặng kinh tế mang lại có lớn đến mấy bà cũng không một lời ca thán. Một lần nữa ông trời thử thách vợ chồng trẻ, đứa con gái đầu lòng ảnh hưởng chất độc màu da cam từ người chồng, sinh ra câm điếc bẩm sinh, nằm oặt một chỗ.
Nhìn lại quãng thời gian 40 năm gian khó có nhau họ mỉm cười mãn nguyện. Ảnh: Ngọc Thi
Chồng không nhìn thấy, con gái không nói được, người phụ nữ đó thèm lắm một tiếng gọi mẹ. Ước muốn làm mẹ của những đứa trẻ lành lặn dường như đóng sập. Khiếm khuyết của cô con gái đầu lòng khiến bà sợ hãi để sinh đứa bé tiếp theo. Phải mất một thời gian dài ổn định tinh thần, ông bà mới quyết định sinh con tiếp. Khó diễn tả bằng lời, chỉ biết rằng ngày đón cậu con trai thứ hai lành lặn, khỏe mạnh, hạnh phúc của họ hòa lẫn tiếng cười, nước mắt.
Mất mấy năm ổn định sức khỏe, ông Thành bắt đầu theo lớp học chữ nổi tại địa phương. Đem ý định lập hội người mù ấp ủ bao ngày nói với người vợ, bà vui mừng ủng hộ. Không ai hết, chính bà là người đèo chồng trên chiếc xe đạp cũ đến các sở, ban, ngành, nhà cán bộ cốt cán trong tỉnh xin ý kiến chỉ đạo.
Với những cố gắng của cả hai vợ chồng ông bà, Hội người mù thị xã Thanh Hóa ra đời với 20 thành viên rồi sau này phát triển trở thành Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa. Ông trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội người mù Thanh Hóa. Rồi được tín nhiệm bầu vào giữ vị chí Phó Chủ tịch Trung ương Hội người mù Việt Nam suốt 14 năm. Nay, ông lên chức Chủ tịch.
Ước nguyện lớn nhất của bà Song là chia sẻ một bên mắt cho người chồng của mình để cùng ngắm con cháu, ngắm chúng lớn lên, trưởng thành, dựng vợ gả chồng… “Tôi ước được hiến mắt cho chồng nhưng đến bệnh viện họ đều từ chối vì khả năng thành công thấp”, bà cho biết.
Người phụ nữ nào cũng mong muốn có một người chồng để che chở. Con bà, từ ngày lấy chồng xác định mình là trụ cột gia đình, một tay chăm chồng, nuôi con khôn lớn. Vậy mà , người phụ nữ đó chưa bao giờ ân hận về quyết định của mình.
Ngọc Thi/Báo Gia đình & Xã hội
0 nhận xét:
Đăng nhận xét