Khi ông Đặng Văn Thụy viết tấu xin từ quan được vua chuẩn tấu, ông vui mừng viết ngay bài thơ “Biệt đình quan” gửi người bạn tri kỷ đang bị tù đày là chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng:
Quốc ân vị mẫu văn chương báo
Gia kế nan ngôn bổng hướng tân
Tự tiếu quy lai vô sự thận
Vị vong thả tác bất vong nhân
Dịch là:
Ân nước không lấy văn chương báo đáp được
Nghèo khó bổng lộc đâu để mà đãi khách
Nay về nhà tự cười rằng rồi sẽ chẳng có việc làm
Nhưng ai không quên ta thì ta cũng không quên người.
Ông Đặng Văn Thụy cáo quan về hưu không phải chẳng có việc làm mà ông làm không hết việc. Ông đã đào tạo nên một lớp Nho sinh sĩ tử ở làng tôi. Hai con trai của ông là Đặng Văn Oánh và Đặng Văn Hướng đều đỗ Phó Bảng năm 1919. Ông Đặng Văn Oánh làm Giáo thụ ở Bình Định. Ông Đặng Văn Hướng làm Giáo thụ Diễn Châu rồi sau làm Tổng đốc Nghệ An. Trong khi làm quan, ông Đặng Văn Hướng đã cùng Hoàng thân Xuphanuvong thiết kế và xây dựng đập nước Xuân Dương rất hiện đại và cần thiết. Làng tôi nhờ có đập nước này mà đời đời no đủ. Làng tôi không bao giờ bị hạn hán hoặc úng ngập. Nếu hạn hán thì lấy nước từ đập Xuân Dương về tưới lúa. Nếu úng ngập thì tháo nước qua kênh nhà Lê. Làm nông nghiệp mà hạn không thiếu nước, lụt không úng ngập thì trăm mùa trúng cả trăm. Cho đến bây giờ, làng tôi vẫn lấy nước từ đập Xuân Dương để cày cấy. Không chỉ xây đập Xuân Dương, ông Đặng Văn Hướng và Hoàng thân Xuphanuvong còn thiết kế cho làng tôi cả một hệ thống mương nước hiện đại để đưa nước ngọt tới từng chân ruộng.
Ông Đặng Văn Oánh tuy làm quan ở Bình Định nhưng đã dùng tiền riêng, xây cho làng tôi một cây cầu bê tông cốt thép vững chắc, bắc qua kênh nhà Lê. Tôi lớn lên đã thấy ôtô chạy thẳng một mạch từ đường 1 về làng. Tuổi học trò, tôi thường đạp xe qua cây cầu ông Oánh bắc để ra phố huyện. Ông Đặng Văn Thụy có công mở mang dân trí cho làng tôi. Ông Đặng Văn Hướng có công mở mang hệ thống thủy lợi cho làng tôi để cả làng luôn được no đủ. Ông Đặng Văn Oánh có công mở mang đường sá, cầu cống cho làng tôi.
Làng tôi nhờ thế mà phát triển về mọi mặt. Có câu “một người làm quan cả họ được nhờ”. Còn họ Đặng làm quan thì cả làng tôi được nhờ.
Khánh Hoàng/Báo Gia đình & Xã hội
0 nhận xét:
Đăng nhận xét