Cha mẹ cần giúp con trở nên kiên định và bản lĩnh hơn trước những cám dỗ của ma túy. Ảnh: T.L
Hiểm họa ma túy mới đối với trẻ em
Thông tin về loại ma túy tem giấy (còn gọi là bùa lưỡi) được lan truyền chóng mặt trong những ngày gần đây đã khiến nhiều cha mẹ hoang mang, lo lắng. Theo các chuyên gia về y tế thì đây là loại ma túy mới xuất hiện ở Việt Nam. Nó được “tung ra” dưới hình thức tẩm LSD (một loại ma túy) vào những miếng giấy nhỏ (như con tem, kích thước 1,5x1,5cm), in hình ngộ nghĩnh hoặc hình các nhân vật nổi tiếng, danh nhân thế giới. Với giá rất rẻ chỉ khoảng 20.000 đồng một miếng. Cách sử dụng lại đơn giản (liếm hay ngậm trên lưỡi). Hình thức giống một miếng đồ chơi bé như cái tem, rất dễ lẫn với hàng loạt các loại giấy dán hình khác được bày bán ở cổng trường. Vận chuyển nhẹ nhàng, dễ cho vào cặp, sách, vở… Học sinh rất dễ bị dụ dỗ vì nó có tác dụng gây ảo giác, hoang tưởng làm cho người dùng có cảm giác về tâm thần như vĩ nhân, thiên tài, bay bổng…
Hiện tại đã có con nghiện của loại ma túy tem giấy này là học sinh. Bệnh viện Tâm thần TP HCM đã điều trị cho một học sinh 15 tuổi bị nghiện tem giấy. Tại Hà Nội, các Bệnh viện: Tâm thần Trung ương, Mai Hương chưa ghi nhận ca bệnh nào nhập viện nhưng nỗi lo về hiểm họa ma túy tem giấy đã trở thành nỗi ám ảnh lo sợ của rất nhiều gia đình hiện nay.
Theo các chuyên gia, để bảo vệ con em mình, cha mẹ cần giúp con nhận biết loại ma túy này, những nguy hại, hệ lụy và cần phải tránh xa tệ nạn để được sống hạnh phúc.
Tám lưu ý đối với các bậc phụ huynh
1. Nói với con về loại ma túy "tem giấy": BS CK II Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3 (Bệnh viện Tâm thần TPHCM) cho rằng, trước khi nhà trường chưa có tiết dạy nào cho học sinh về vấn đề này thì bố mẹ cần giáo dục con nhận biết để tránh xa những cuộc chơi mang tính nghiện ngập. Bởi theo BS Huỳnh Thanh Hiển thì hầu hết các tình trạng nghiện ngập đều bắt đầu từ những cuộc chơi và sự rủ rê, cộng với bản tính tò mò “thử cho biết” của tuổi mới lớn.
Cha mẹ cần thẳng thắn ngồi trò chuyện cùng con và tìm những trường hợp đã từng sử dụng chất ma túy tổng hợp này. Bên cạnh đó, nếu có thể kết hợp cùng cô giáo chủ nhiệm, dành cho các con một tiết học để trò chuyện với bác sĩ chuyên khoa Thần kinh, giúp các con nhận thức được rõ hơn về những mối nguy hại khủng khiếp đối với sức khỏe và tinh thần của chúng khi sử dụng "bùa lưỡi".
2. Lo lắng nhưng không nên quá căng thẳng: Trước bất cứ bất trắc nào đối với con, điều cần nhất ở các bậc phụ huynh là phải hết sức bình tĩnh. Biết là ai cũng lo lắng trước một mối hiểm nguy như thế nhưng điều cần làm ở các bậc cha mẹ là hết sức tỉnh táo để có cách giáo dục con hiệu quả nhất.
3. Nghiêm khắc nhưng không phải theo cách “tao là bố mày nên nói gì mày phải nghe”: Theo giảng sư Thích Phước Tiến (Phó Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học), dạy con trong độ tuổi dậy thì là vô cùng khó, nhất là trong xã hội hiện nay. Nói làm sao để con nghe lời là cả một nghệ thuật. Cha mẹ không nên “vì xã hội nó thế” mà buông lỏng con, để con muốn làm gì thì làm. Nhưng ngược lại, cũng không nên quá “quyền uy” theo kiểu “con tôi, tôi muốn làm gì thì làm”, hoặc “tao là cha, là mẹ nên tao nói là mày phải nghe”…
Cha mẹ cần nghiêm khắc với con trước những sai phạm mà mình đã đề ra trong nguyên tắc sống, nề nếp của gia đình. Tuy nhiên, nghiêm khắc không đồng nghĩa với việc thể hiện sự quyền uy theo cách mà chúng tôi đã phân tích ở trên.
Cha mẹ khi nói một câu với con cũng cần phải suy nghĩ, lựa chọn. Nếu xúc phạm con, đánh chửi con khi con không nghe lời rất dễ khiến cho đứa trẻ bị tổn thương, trở nên bất mãn, lì lờm và khó bảo.
Nếu bố mẹ ứng xử với con theo cách khiến đứa trẻ nghĩ “nói ra thế nào cũng bị ăn chửi”. Như vậy là bố mẹ đã thất bại, vì đã dồn con vào ngõ cụt rất dễ làm cho đứa trẻ trở thành hư hỏng, khó bảo. Khi đứa trẻ bất mãn buồn tủi thì rất dễ rơi vào tệ nạn.
Bởi, khi bố mẹ quá quyền uy theo cách áp đặt, đứa trẻ sẽ không cảm nhận được tình thương của bố mẹ. Từ đó chúng sẽ xa lánh, không thích gần bố mẹ vì không thấy thoải mái.
Khi đứa trẻ không cảm nhận được tình thương ở bố mẹ, nói ra là bị chửi. Trong khi ra ngoài, nói ra được bạn bè lắng nghe, ủng hộ, chia sẻ nên đứa trẻ khi gặp chuyện sẽ chỉ tâm sự với bạn bè mà không tâm sự với bố mẹ.
Khi con có dấu hiệu không tâm sự với mình, bố mẹ cần nghiêm khắc kiểm điểm lại mình, rút kinh nghiệm và tìm cách để “tiếp cận” làm bạn với con.
4. Làm bạn với con: Các bậc phụ huynh nên đóng vai khi là cha là mẹ nhưng có khi là bạn. Khi thấy trẻ im lặng, hay buồn chuyện gì đó thì hãy ngồi lại hỏi han quan tâm đến con. Rồi hỏi con “Con có nỗi khổ thế nào”. Rồi cùng tâm sự với con như một người bạn rằng, thời của con mẹ (hoặc bố) cũng thế này, cũng thế kia…Con gái như thế và con trai như thế, có điều tâm sự gì cứ nói với cha với mẹ…
Khi cha mẹ đóng vai là bạn của con sẽ tạo điều kiện cho đứa trẻ được mở cửa lòng, giúp con hiểu biết để bước vào đời.
5. Dạy con giá trị làm người: Đó là những giá trị về sự hiếu thảo, về trách nhiệm làm con, về giá trị lao động, giá trị đồng tiền, về cách sống thiện, về hạnh phúc, về tình yêu…
Đây là những bài học mà bố mẹ luôn phải dạy con trong mọi độ tuổi, mỗi lứa tuổi có cách tiếp cận khác nhau.
Những bài học làm người này bố mẹ phải giáo dục bằng cả quá trình, không lúc nào ngơi nghỉ cho đến khi con trưởng thành.
6. Không khắt khe nhưng cũng không buông lỏng: Không đưa tiền tiêu vặt cho con nhưng cũng không nên quá khắt khe và quá nguyên tắc về vấn đề này. Quan trọng là bố mẹ cần phải sát sao với con, quản lý được thời gian của con và có sự liên lạc thường xuyên với cô giáo, nhà trường.
Phân tích và giúp con nhận thức rõ với vấn đề nói không với các đồ chơi và thực phẩm bẩn bán ở cổng trường. Nói không với sự rủ rê của bạn bè, nhất quyết từ chối mọi lời mời khi mình thấy không an toàn cho bản thân…
7. Đừng quên dạy con cách nói “Không”, khi bị bạn bè rủ rê dùng thử ma túy: Hãy cùng con thảo luận để đưa ra một phương án tốt nhất nhằm giảm áp lực và sự tự ái trước bạn bè.
8. Quan trọng hơn cả, bố mẹ cần làm gương cho con bằng cách tránh xa các chất gây nghiện, thậm chí cả rượu, bia và thuốc lá: Điều này giúp trẻ thực sự hiểu được sự nguy hiểm của chất gây nghiện không chỉ ảnh hưởng tới thanh thiếu niên, mà cả người trưởng thành. Hãy luôn ghi nhớ rằng một hành động đáng giá hơn cả ngàn lời nói, bởi chúng là những ví dụ thực tế vô cùng sâu sắc, giúp con bạn trở nên kiên định và bản lĩnh hơn trước những cám dỗ của ma túy.
Để đối phó với hiểm họa ma túy tem giấy hiện nay, một số ý kiến cho rằng nhà trường nên đưa vấn đề ma túy thành bài học cho học sinh, vừa có tác dụng giáo dục kỹ năng sống, vừa là nhắc nhở các em đề phòng và biết cách tự bảo vệ mình. Có thể biến nó thành một tiết học, quay video về một người từ lúc mới sử dụng đến lúc kết thúc. Trẻ ở độ tuổi 13 – 16, lứa tuổi dậy thì được coi là lứa tuổi “nguy cơ” nên bài học nên dành cho lứa tuổi này.
Mạc Vi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét