Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Lê Phương Hoa, 46 tuổi, giám đốc trung tâm UNESCO về Phát triển bản thân - Life School, Hà Nội. Chị Phương Hoa có hai con gái, một đã tốt nghiệp, đang đi làm, một vừa vào cấp 3. Cả hai cô bé đều từng không đạt thành tích cao về học tập ở trường công nhưng rất tự tin, năng động, giỏi trong các lĩnh vực thể thao, nghệ thuật và chưa bao giờ bị mẹ ép học.
Sáng nay tình cờ đọc được một bài báo viết về nỗi khổ của người mẹ khi phải gửi con đi du học từ sớm để thoát cảnh giáo dục trong nước, tôi cảm thấy mình phải nói vài câu về chuyện học hành của trẻ. Những điều người mẹ trong bài đó than thở về cảnh con phải học thêm, biếu quà cô, bị áp lực... ở trường, ai cũng thấy là quá đúng và cho là giáo dục Việt Nam có rất nhiều vấn đề. Nhưng thế giới này có cái gì là không có vấn đề? Con người dù ở đâu cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn khác nhau, chẳng thế mà "người giàu cũng khóc". Cái chính là cách ta lựa chọn để sống như thế nào với các vấn đề đó.
Hai con gái của chị Lê Phương Hoa đều yêu thích các môn vận động cơ thể.
Tôi có hai con gái, một mới đi làm, một đang học lớp 9. Năm nay cô nàng thứ hai thi lên cấp 3 và đòi thi vào một trường đứng top 2 thành phố. Với tôi thì con muốn thi vào trường nào cũng được. Mới đầu năm học, nhà trường đã gửi lịch học thêm dày đặc và hôm qua, tôi viết đơn gửi cô giáo, thông báo con chỉ tham gia 1/2 thời gian học thêm, còn lại con còn bận đi tập gym và học ngoại ngữ. Tôi nói thẳng luôn như thế trong đơn.
Tôi chưa bao giờ nếm cảnh sáng vất vả đưa con xuyên qua thành phố đi học, vì con tôi luôn chọn học trường gần nhà nhất. Lớp 4, chuyển nhà về ngoại ô, tôi chuyển cô út từ trường đình đám với hàng ngàn học sinh ngay trung tâm thành phố (cạnh nhà cũ), về ngôi trường làng sát nhà (cả trường chỉ vẻn vẹn 11 lớp). Và tôi thấy đó là sự thay đổi tuyệt vời nhất.
Con từ một cô bé "số không" ở trường cũ (do quá đông học sinh), đã lột xác trở nên tự tin, mạnh mẽ ở trường mới. Đơn giản vì trường bé quá, ít học sinh, nên con được tham gia vào mọi hoạt động như: đội hát, đội điền kinh, đội nhảy biểu diễn... và cũng được đi biểu diễn cấp quận. Ở trường làng, các cô giáo như người mẹ, cô hiệu trưởng thấy con học yếu toán, rảnh lại gọi con vào phòng để dạy thêm bài. Lên cấp 2, dù trường lớn hơn nhiều, nhưng con đã tự tin tới mức trở thành thành viên đội tuyển bóng ném, bóng rổ, điền kinh, cô giáo nào cũng biết mặt.
Tôi ít khi chú ý xem con học thế nào, chỉ hay bảo con đọc sách, xem phim, đi chơi thể thao. Bạn ấy cũng thích chơi game, mẹ không cấm nhưng chơi chừng mực, khỏi hại mắt. Ấy vậy mà bạn học cũng ổn. Đợt này toàn bị mẹ cấm không được học nhiều, nhất là học văn, vì thấy cách cô giáo dạy văn không thích hợp với tư duy của con. Khoản chơi của cháu thì không phải nghĩ: bơi giỏi, trượt băng giỏi, chạy khỏe, cao nhất trường, vui vẻ hiếu động suốt ngày.
Chị Lê Phương Hoa (ngoài cùng bên trái) và hai con gái thường xuyên đi du lịch.
Con gái lớn của tôi cũng vậy. Từ bé tới lớn, cháu chỉ học gần nhà, đi bộ, đi xe đạp vài phút là tới. Hai nàng khi học cấp một đều về nhà ăn trưa, mẹ bận đi làm thì gửi cô hàng xóm rảnh rỗi nấu cho. Cô lớn ở cấp 1-2 không bao giờ học thêm ở trường, chỉ có gia sư dạy tiếng Anh và lâu lâu học bổ sung toán nếu thấy yếu. Tôi chưa bao giờ bị áp lực là con phải học xuất sắc hay giỏi. Tôi từng bảo thầy hiệu trưởng trường cấp 2 của cô lớn là chỉ cần con tôi đi học vui vẻ là được.
Đổi lại, bạn lớn thích học đàn, học vẽ, lớp 9 đã thi đỗ vào học thiết kế đồ họa ở trường dạy mỹ thuật (cháu bé nhất khóa, học với toàn anh chị đã xong đại học), tiếng Anh lúc đó đã gần đủ điểm TOEFL. Lên cấp 3, năm lớp 10 bạn ấy cũng bị áp lực thi đại học nên xin đi học thêm nhưng sau đó than với mẹ là con không học nổi. Tôi bảo, không thích thì thôi không thi nữa. Thế là nghỉ luôn.
Trong hai năm, khi bạn bè vùi đầu vào học luyện thi đại học thì bạn ấy tung tăng học đàn, tiếng Italy, tiếng Anh, học may, học vẽ... Bạn ấy không thi đại học vì đã sớm thi đỗ học bổng sang Italy. Lớp 10-11, bạn ấy đã có thể tự đi du lịch ở Singapore một mình.
Hai con đi học, tôi chưa bao giờ biếu tiền cô giáo. Cô nào quý thì 20/11 tặng món quà nhỏ (thường là khăn quàng). Ấy vậy mà hầu như tất cả các cô đều quý con. Bạn út khá nghịch, nhiều lần bị cô mắng, nhiều lần mẹ cũng đến tận trường "mắng" cô thế nhưng các con không thấy bị trù úm, thậm chí còn bênh cô khi mẹ chê cô có gì chưa ổn.
Tôi chẳng bao giờ phải bận tâm học phí cho con. Cấp một thì 50.000/tháng, cấp 2 hình như cũng vậy, cả năm chỉ thu có một hai triệu bao gồm tất tần tật phí nước uống, vệ sinh... Cái nạn tiền trường không hiểu sao không rơi vào mình. Hôm qua tôi đi họp phụ huynh thấy tổng động viên đóng hơn một triệu.
Không tốn tiền trường, tôi dành tiền cho con học tiếng Anh, học đàn, học vẽ, bơi lội, thể thao, phòng gym, đi du lịch... Trong khi bạn tôi, nhiều người riêng tiền trường cho con đã chục triệu mỗi tháng.
Tôi không thấy gì phiền khi dậy từ 5h sáng, gọi con dậy sớm để có thời gian thong thả trước khi đi học. Con tôi không xem TV, thỉnh thoảng xem phim có chọn lọc, tối ngủ sớm, nên sáng dậy khỏe mạnh, thoải mái. Khi tôi muốn cho con đi du lịch, tôi xin phép cho cháu nghỉ học. Năm ngoái, con gái út nghỉ học tổng cộng tới gần một tháng để đi chơi với mẹ. Thậm chí trong tuần, nếu ngày nào con không thích đi học, tôi cũng đồng ý.
Bây giờ, ai nhìn các cô gái của tôi cũng bảo tôi là bà mẹ hạnh phúc, có những đứa con vui vẻ, dễ thương, quấn mẹ như sam. Cô gái lớn, dù chưa bao giờ là học sinh giỏi kể từ khi vào cấp 2, vẫn là một cô gái thông minh và đầy năng lực, đủ khả năng tự lo liệu cuộc sống của mình.
Du học là điều tốt, tôi ủng hộ hết mình. Nhưng du học là để giúp các con mở rộng tầm nhìn, chứ không phải là cuộc chạy trốn. Tôi không đồng ý với các bà mẹ bảo phải cho con đi du học vì học ở Việt Nam khổ sở quá. Khổ hay không là do chính mình. Các em học hành khổ sở thế kia là vì các em ấy dốt nát hay vì kỳ vọng của bố mẹ quá lớn?
Con gái lớn của tôi mới đi du học về bảo mẹ: "Đừng cho em đi quá sớm, để hết cấp 3. Con thấy các em đi sớm quá thương lắm, thiếu vòng tay bố mẹ, kiến thức văn hóa non nớt, dễ bị tổn thương, dễ bị trầm cảm hoặc bị nhiễm thói xấu".
Muốn trẻ em sung sướng, tôi vẫn thấy thứ cần thay đổi không phải chỉ là xã hội hay nền giáo dục... mà phần rất lớn còn là từ bố mẹ. Bố mẹ cứ chăm học, chăm làm, thích thể thao, không đút lót, không nịnh nọt thầy cô, không có nhu cầu thể hiện mình giỏi bằng mọi giá. Tóm lại bố mẹ thế nào thì các con cũng sẽ giống thế đó.
Theo Lê Phương Hoa/VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét