Món quà hồi môn cha mẹ tặng cho gái khi về nhà chồng chính là công sinh thành chứ không phải vật chất tặng trong ngày cưới. Ảnh minh họa
Bần thần với khoản nợ sau đám cưới
Luân và Tuyết yêu nhau được gần 2 năm thì quyết định làm đám cưới. Nghe tin con gái báo lấy chồng, vợ chồng bà Lương Thị Loan (ở Hải Dương) mừng ra mặt. Hiểu hoàn cảnh nhà Tuyết, Luân cũng đồng ý sẽ tiết kiệm đến mức có thể để đám cưới vẫn đầy đủ thủ tục mà vui vẻ. Tuy nhiên, nếu như bố mẹ Luân không quá quan trọng về hình thức sẽ chẳng có vấn đề gì. Vì có mỗi Luân là con trai nên ông bà tuyên bố kiểu gì đám cưới cũng phải tổ chức rình rang để làng xóm “còn trông vào mà nể”.
Cũng vì thế, vợ chồng bà Loan đau đầu suy nghĩ vì cả hai đều là công nhân nghỉ hưu, không biết lấy gì để lo đám cưới và có chút “vốn” cho con khi về nhà chồng. Nghĩ đi nghĩ lại, ông bà đành tặc lưỡi: "Thôi thì con cũng chỉ có một lần nên ông bà cố lo cho con tươm tất". Vì vậy, hai vợ chồng bà Loan đành cầm tài sản giá trị nhất trong nhà là cuốn sổ đỏ vay ngân hàng rồi từ từ làm trả sau.
Vì nhà cấp 4 tập thể, diện tích nhỏ nên ngân hàng chỉ cho vay tối đa 50 triệu đồng, tính ra vợ chồng bà Loan lo cho đám cưới không đủ. Hai vợ chồng bà lại chạy đi hàng xóm vay nặng lãi để mua quà hồi môn cho con gái là một cái kiềng vàng và một cái lắc tay. Đám cưới diễn ra tốt đẹp, hai bên gia đình đều hài lòng. Sau đám cưới to, cưới sang cho đẹp mặt với gia đình thông gia, vợ chồng bà Loan bần thần với những khoản nợ phải gánh. Cưới xong rồi, lãi mẹ đẻ lãi con, rồi thì lãi suất ngân hàng, vợ chồng bà nai lưng làm trả nợ mãi mới hết.
Thuê trang sức làm quà cho con
Con gái bà Phạm Thị Huệ (ở Hà Nội) kết hôn đúng thời điểm vợ chồng bà khó khăn nhất. Trước đây, nhà bà Huệ cũng có của ăn của để. Nhưng vì chồng bà dốc hết vốn liềng đầu tư vào nhà đất, khi thị trường bất động sản đóng băng, bao nhiêu của nả của gia đình đội nón ra đi theo tiền lãi suất ngân hàng.
Thương con gái, cũng không muốn nó thua kém bạn bè và “bẽ mặt” với nhà chồng, bà Huệ nghĩ cũng phải cho con một khoản để con mang về nhà chồng. Bà thở dài nói: “Vợ chồng tôi cũng chả dư giả gì, nhưng chẳng lẽ con gái gả chồng lại không cho chút của hồi môn nào. Con cái của bạn bè cưới ai cũng công khai cho con quà hồi môn, mình không cho con cũng không được. Nhà chồng biết dù không nói ra cũng khinh con mình, mà con cũng tủi thân với bạn bè xung quanh”.
Mặc dù nói thế nhưng tiền không có, ngày cưới của con thì cận kề mà bà Huệ vẫn chưa kiếm đâu ra tiền đủ mua cây vàng “làm quà” cho con. Bà Huệ bèn bàn với con gái tìm đến dịch vụ cho thuê trang sức. Với dịch vụ này, chỉ cần mất chút tiền thuê mà thứ gì cũng có và không phải còng lưng trả nợ. Ngay hôm sau, hai mẹ con đèo nhau đi thuê nữ trang. Sau khi chọn được một cái kiềng vàng, lắc tay và đặt sổ đỏ làm tin, hai mẹ con yên tâm vì đã giải quyết được lo lắng. Ngày cưới, con gái bà thật lộng lẫy với đầy đủ trang sức trên người. Còn bà Huệ mát mặt với họ nhà trai khi được tiếng là có của ăn của để cho con về nhà chồng.
Vậy nhưng bà chẳng thể ngờ đó lại là mở đầu cho những nỗi đau mang đến cho con gái sau này gánh chịu. Cưới xong, cô con gái bí mật gửi lại số nữ trang đã thuê trong đám cưới. Sau tuần trăng mật, chồng cô ngỏ ý muốn vay số nữ trang để trang trải nợ nần cá nhân. Nghe vợ nói nguồn gốc nữ trang đeo trên người hôm đám cưới, anh chồng đã chửi bới và đánh cô. Dù sau đó, cô có đưa cho chồng số tiền dành dụm được trước khi cưới nhưng vẫn bị chồng coi thường. Chưa đầy một năm sống chung, hai vợ chồng ly dị vì cô không chịu được sự đánh đập, coi khinh của chồng.
Của hồi môn mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý An Việt Sơn (Hà Nội) cho rằng, chính tâm lý coi của hồi môn như “thước đo” để con mình không bị gia đình chồng coi thường và chê bai mà nhiều gia đình dù kinh tế còn eo hẹp cố chạy vạy, đi mượn để mua cho được thứ này thứ khác làm quà hồi môn mong con được đẹp mặt với nhà chồng và bằng bạn, bằng bè xung quanh. Việc làm này đã vô tình bóp méo giá trị cao đẹp của “của hồi môn”.
Nếu không có điều kiện đừng nên chạy đua theo giá trị vật chất. Thay vì cứ cố gắng để “đẹp” khi tổ chức lễ cưới cho con hãy xuất phát từ điều kiện của gia đình. Việc trao của hồi môn cho con gái chỉ thực sự có ý nghĩa khi người “cho” và người nhận được thoải mái.
Trong xã hội phong kiến, chỉ những gia đình giàu có mới có tiền, vàng cho con gái đi lấy chồng. Còn ở những nhà nghèo, của hồi môn có khi chỉ là những vật dụng có giá trị truyền thống của gia đình như quyển sách với nhiều công thức nấu ăn.
Khi phải đi vay mượn, đi thuê để có của hồi môn cho con chính là cha mẹ đã hạ thấp chính mình và con cái. “Quà hồi môn” lớn nhất mà cha mẹ cho con gái chính là hai bàn tay, khối óc để tạo dựng cơ đồ. Người con gái về nhà chồng hồi môn giá trị nhất chính là đức hạnh, sự khéo léo và biết chăm lo vun vén cho cuộc sống mới chứ không phải giá trị vật chất họ đem về nhà chồng trong ngày vu quy. Một khi chỉ nhìn vào của ít hay nhiều để đánh giá là sự thực dụng, nhìn nhận ở cái trước mắt.
“Con cái đừng cho rằng, cha mẹ không cho mình cái gì trong ngày cưới là không thương yêu mình. Bởi có một thực tế, không ít con cái khi ngày cưới, bố mẹ không tặng cho gì đã oán trách. Hãy nghĩ rằng, cha mẹ đã cho mình một món quà lớn từ khi sinh ra, chăm lo cho khôn lớn và dựng vợ gả chồng chứ không phải chỉ ngày cưới mới quan trọng”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất
Phương Thuận
0 nhận xét:
Đăng nhận xét