Ảnh minh họa: Internet
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Yến Nhi (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống), một lời nói thiếu suy nghĩ khi được thốt ra không chỉ làm khó cho mình mà còn gây nên những phiền toái cho người khác. Đàn ông hay phụ nữ thì cũng đều có khi nói lời dại dột. Tuy nhiên, trên thực tế thì phụ nữ nhiều người “dại miệng” hơn đàn ông.
“Chạy mất dép” vì vợ dại miệng
Hồng yêu và lấy Thoa vì một lý do rất đơn giản là “cô ấy thật thà”. Ngày còn tán tỉnh Thoa, Hồng dùng một phép thử kinh điển mà các cụ truyền dạy cho là dùng tiền để thử… tình yêu. Sau nhiều lần mang tiền ra làm “mồi câu” nhưng vẫn không tán được Thoa, cuối cùng Hồng mang sự thật đó ra để tỏ tình cô. Anh nói “Anh yêu em và bây giờ càng khẳng định chắc chắn rằng đó là tình yêu thực sự. Trên đời này để kiếm được một người con gái không hám tiền như em thật là khó. Khó như mò kim đáy biển vậy!”.
Tán vậy mà rốt cuộc Hồng đã thành công. Hồng đánh trúng tâm lý của Thoa. Bởi trong sâu thẳm, Thoa luôn nghĩ mình thuộc tuýp người không giống ai, tức là “không cần tiền, chỉ cần tình”. Sau 4 tháng yêu nhau, họ tiến tới hôn nhân.
Lấy nhau vì tình yêu nhưng khi trở thành vợ chồng, cuộc sống chung của họ lại đi theo chiều hướng mà cả hai không ai ngờ tới. Ngày chưa lấy nhau, Hồng thấy cái tính thật thà của Thoa đáng yêu bao nhiêu thì giờ đây khi trở thành vợ chồng, Hồng lại thấy nó lại tai hại bấy nhiêu.
Không có chuyện gì trong nhà là Thoa không mang ra kể với người ngoài. Từ việc mua cái bếp mới, con ăn được mấy bát cơm đến những chuyện hệ trọng như kế hoạch làm ăn của chồng, dự tính cái này, cái nọ trong gia đình Thoa đều mang ra kể với cô bạn thân. Kể xong còn dặn đi dặn lại là “chuyện này chỉ mình mày biết thôi đấy”. Nhưng dặn là dặn thế thôi, bởi Thoa không chỉ có một cô bạn thân mà có đến tận dăm bảy mối quan hệ bạn bè tri kỷ, “thì thụt tâm giao” kiểu đó. Vì thế mà chuyện thâm cung bí sử gì của vợ chồng Hồng, thiên hạ đều tường tận. Có lần cậu bạn của Hồng còn hỏi tếu táo, “này, nghe nói ông chiều vợ lắm à, cả cái khoản mồm miệng mà cũng làm được, tôi thật là nể ông”.
Về nhà, Hồng truy hỏi vợ, hóa ra cô vợ mang chuyện giường chiếu của vợ chồng mình đi tâm sự với vợ thằng bạn thân!?
Nhưng chuyện dại miệng đó của vợ chỉ khiến Hồng đỏ mặt tía tai đi một lúc rồi thôi. Có những chuyện mà Thoa đã dồn Hồng vào thế đường cùng chỉ vì cái tật nói thiếu suy nghĩ. Như chuyện Hồng đang dự tính thực hiện một kế hoạch mua bán đất đai, cần phải huy động vốn của người thân bạn bè mới có thể thực hiện được. Để huy động được vốn của người khác, Hồng phải cho người khác thấy là mình có tài sản này, tài sản nọ, một cách giấu hoàn cảnh “tay không bắt giặc” của mình. Thế nhưng trong bữa cơm đó, Thoa cứ thế ngồi than hoàn cảnh của mình, rằng vợ chồng anh giỏi thế, sướng thế, còn vợ chồng em thì chẳng có gì, ngay cả cái nhà đang đi ở cũng là nhà thuê…
Sau hôm đó, hai người bạn của Hồng đã từ chối cho anh vay tiền. Từ việc thất vọng về vợ, Hồng chuyển sang cay cú. Rồi không biết từ bao giờ, vợ chồng họ trở thành “ông chẳng bà chuộc” và kết quả là tờ giấy ly hôn hai người cùng phải ký.
“Tu khẩu” là tu được nửa đời người
Tương tự, Bình là sĩ quan Quân đội, nhà ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng hết khổ vì vợ mắc tật nói nhiều. Kiều Anh, vợ Bình được cho là kiểu người “ruột để ngoài da”, thấy cái gì là nói ngay, không suy nghĩ, đắn đo gì. Nhiều lần Bình bẽ mặt với mọi người vì cái tật “dại miệng” của vợ.
Chuyện Bình chán ngán vì sự “dại miệng” của vợ là chuyện cơm bữa. Bình là người chịu thương chịu khó, từ tốn nhẹ nhàng ân cần với tất cả những người trong gia đình và những người xung quanh, nhưng riêng với vợ thì không. Anh thường càu nhàu với vợ, không tin tưởng cũng như không muốn nói chuyện thân tình với vợ của mình…
Cùng ở trong một khu tập thể, gia đình Bình và gia đình anh Quế hàng xóm chơi khá thân với nhau. Vợ anh Quế do công việc thường xuyên phải về muộn nên thường nhờ vợ chồng Bình cắm hộ nồi cơm. Một hôm bị mất điện, không cắm được cơm nên Bình gọi điện cho vợ anh Quế báo tin nhưng anh lại không báo cho vợ. Lúc đi làm về, vợ anh Quế bảo với vợ Bình là “Biết nhà không có điện nên vợ chồng con cái đón nhau đi ăn KFC luôn, giờ mới về”. Nghe thấy thế, Kiều Anh liền tru tréo lên: “Thế đấy, chồng với chả con, vợ hàng xóm thì báo, nhưng vợ mình thì không. Thôi thế này sang làm chồng hàng xóm đi cho rồi!”…
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Yến Nhi, đàn ông hay phụ nữ thì cũng đều có khi nói lời dại dột. Tuy nhiên, trên thực tế thì phụ nữ nhiều người “dại miệng” hơn đàn ông.
Bản chất của việc “dại miệng” xuất phát từ lối nói thiếu suy nghĩ, thiếu cân nhắc. Không phải lời nói thật nào cũng tốt. Không phải nghĩ sao nói vậy là tốt. Lời nói thật khi nói ra nếu làm ích lợi cho mình, cho người thì nên nói. Nhưng nói thật mà làm khó cho mình, cho người là lời nói thiếu chân chính. Trong nhà Phật gọi lời nói đó là “tà ngữ”, ngược với tà ngữ là chánh ngữ. Các cụ xưa cũng đã từng rút ra chân lý về lời nói như sau “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, hay “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”…
Theo nhà Phật, lời nói cũng phải “tu”. “Tu khẩu” được coi là một trong 7 vấn đề quan trọng trong việc “tu tâm, tích đức” (nói theo cách nói dân dã, dễ hiểu). Muốn “tu tâm” được thì phải tránh những chuyện thị phi, vì thị phi mất rất nhiều thời gian một cách vô ích, mà lại gây tạo rất nhiều nghiệp khẩu, oan trái. Do vậy, nếu tu được cái miệng (tu khẩu) là tu được nửa đời người. Cổ nhân cũng dạy: “Bệnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất” nghĩa là: Bệnh từ cái miệng do ăn uống mà đem vào, họa cũng từ cái miệng do nói chuyện thị phi mà tạo ra.
“Lời nói thiếu suy nghĩ thường mang lại những hậu quả xấu như gây nên sự bất hòa cho chính mình, không được người khác tôn trọng, dễ bị thị phi… Nếu trong gia đình, một người vợ mà hay “dại miệng” thì hậu quả dễ nhìn thấy nhất là vợ chồng thiếu hạnh phúc, thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Nặng có thể dẫn đến ngoại tình, ly hôn”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Yến Nhi
Mạc Vi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét