Game online đang "giết chết" giới trẻ khi biến họ thành những kẻ tội phạm thời gian. Ảnh minh họa
Theo lời Phật dạy trong 66 câu Thiền ngữ chấn động thế giới thì: “Sống một ngày vô tích sự giống như kẻ phạm tội ăn trộm”.
Có thể thấy những việc mà chúng ta thường tiêu phí thời gian trong thời đại hiện nay, đó là chơi Facebook, chát, tám chuyện, chém gió, vui thú những cuộc nhậu. Nặng hơn thì ngồi quán game, chơi cờ bạc. Đôi khi chỉ vì ham vui, ta ngồi vào chiếu bài. Vậy mà thoáng chốc, trời đã nhập nhoạng tối.
Một ngày 8 tiếng đồng hồ quý giá ta ném vèo qua cửa sổ để rồi quay về nhà trong tâm trạng tội lỗi như một kẻ phạm tội: Tội không hoàn thành công việc ở công sở, tội không kiếm ra tiền để mua sữa, đóng học cho con, tội để con nhỏ một mình sợ hãi chờ đợi nơi cổng trường tối mịt, tội đến bữa rồi mà tủ lạnh trống trơn và căn bếp lạnh lẽo…
Không chỉ là tá lả, cờ bạc mà nhiều khi ngay cả những thứ được coi là hiện đại, thời thượng như Facebook, đọc những trang tin giật gân, những thước phim giải trí vô bổ… cũng khiến ta tiêu phí thời gian một cách vô ích rồi khiến ta trở thành kẻ phạm tội “ăn trộm” thời gian một cách thiếu kiểm soát như thế
Thời gian không bao giờ trở lại. Bất cứ người giàu hay kẻ nghèo, bất cứ già hay trẻ, nam hay nữ…, ai cũng có một ngân quỹ thời gian bình đẳng như nhau. Chúng ta không bao giờ tìm lại được thời gian khi nó qua đi. Mỗi tiếng tích tắc, hay sự mọc lặn của mặt trời của mặt trời đều liên quan đến sự hiện thành và tiêu tán của kiếp người. Sống lãng phí một ngày là lãng phí mất 1 phần ngân quỹ quý giá của một kiếp người. Mà theo lời Phật dạy, để được làm người không phải là dễ
Không ít người lãng phí cuộc đời của mình vào những canh bạc. Ảnh minh họa
Trong bài pháp âm “Đừng lãng phí cuộc đời”, Giảng sư Thích nữ Như Lan cho rằng: Nếu một ngày mình mà chúng ta không làm được việc gì lợi ích gì cho gia đình, cho xã hội cũng như không làm lợi ích gì cho bản thân mình thì chúng ta còn sống đó, còn đi đứng nói cười đó nhưng chẳng khác nào một khối thịt biết đi, biết chạy rồi chết đồng mục nát với cỏ cây không lợi ích gì. Bởi thực tế thì, sống 100 năm chưa chắc đã là đủ nhưng sống một ngày cũng chưa thể gọi là thiếu.
Nếu sống 100 năm chúng ta cứ mãi tranh đua hơn thua danh lợi tình tiền thì sống 100 năm chưa chắc gọi là đủ. Còn sống một ngày mà chúng ta sống tốt đạo đẹp đời, sống lợi ích cho mình, cho người cho tha nhân thì một ngày đó cũng có ý nghĩa như thường
Trung bình một đời người chỉ có 36 ngàn ngày. Nếu để một ngày trôi qua không làm được việc gì có ích là chúng ta đã lãng phí 1 phần 36 ngàn vốn liếng của thời gian.
Bởi vậy đừng lãng phí thời gian. Thời gian qua đi không bao giờ trở lại. Thời gian chẳng chờ đợi ta, vô thường không cho ta nán lại. Chúng ta hãy trân quý vốn liếng này để không “ném thời gian qua cửa sổ” nữa, biết sử dụng vốn liếng đời người đó cho những việc hữu ích cho mình, cho người và cho tha nhân, để đến cuối đời ta không phải ân hận vì mình đã sống một cuộc đời vô nghĩa, để không bị hoảng hốt khi ta bước chân vào cửa tử trong vô minh, để rồi bị dòng luân hồi sinh tử cuốn trôi mãi không dứt...
Mạc Vi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét