Cô bé và cậu bé thường ra ao chơi đùa, câu cá, xúc tôm. Thường cậu bé mang về nhiều chiến lợi phẩm, vẻ đắc thắng. Còn cô bé về tay trắng, mắt rưng rưng.
Rồi trước bữa cơm tối, cậu bé chạy qua đập cửa nhà cô bé, cô bé nhìn thấy cậu bạn, hất đầu ngoảnh mặt đi. Cậu đùa cười: “Xin lỗi nhé, tớ toàn cướp hết tôm với cá của ấy, thôi để tớ nuôi nó trong lu, rồi tớ tặng đằng ấy!”.
Câu xin lỗi rất trong sáng.
Cậu trai thường quen ghẹo cô bạn gái, trêu tới mức cô bạn bật khóc, xong rồi cậu phải chạy theo dỗ dành, dỗ từ lúc cô còn tóc đuôi gà cho đến khi cô tóc xõa ngang bờ vai. Cậu thích lén lút xì hết hơi lốp xe đạp của cô bạn, rồi nấp xem cô bạn chạy quanh xe rối rít tức tưởi. Cậu thích cô bạn gọi điện thoại la mắng, rồi mới xuất hiện, tỏ vẻ biết lỗi, dắt chiếc xe xịt lốp đi như thể chuộc lỗi, nhưng lại như ngầm đắc thắng, trong khi cô bạn gái cằn nhằn đi bên cạnh. Như thế, đường về nhà sau buổi tan học dài hơn nhưng cũng tuyệt thú hơn. Và cậu sẽ nói, xin lỗi nhé, tớ biết lỗi rồi mà, đừng trách tớ nữa. Lời xin lỗi chả có tí ăn năn nào.
Ảnh minh họa.
Sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai bận rộn vì công việc, có khi liên tục một tháng không được nghỉ ngày nào. Cô gái quen dần những ngày cuối tuần cô đơn, có bạn trai mà như không có ai ở bên. Họ có lần cãi cọ đầu tiên, giọt nước mắt đầu tiên, kỳ chiến tranh lạnh đầu tiên, cái cớ công việc bận rộn đầu tiên, sự làm lành đầu tiên. Sinh nhật cô gái năm ấy, chàng trai hứa một món quà lãng mạn bất ngờ trong tối sinh nhật làm cô gái mong đợi lắm. Món quà bất ngờ đó là anh mất tích cho tới tận hôm sau, và đêm sinh nhật của cô chưa bắt đầu đã kết thúc, cô gái ngủ thiếp đi trong bộ váy mới, với gương mặt trang điểm đẹp nhưng giàn giụa nước mắt.
Sáng sớm ngày hôm sau chàng trai mới về tới, anh ôm khuôn mặt người yêu trong tay nói, xin lỗi, em lấy anh được không?
Lồng chiếc nhẫn vào ngón tay cô, lời xin lỗi trở thành một lời hẹn ước.
Sau đám cưới, công việc của chàng thăng tiến tốt đẹp, thời gian không ở nhà càng dài hơn, còn nàng trở thành một bà nội trợ chuyên nghiệp, ở nhà lo chợ búa cơm nước và ngồi đợi chồng về. Nàng thường ra chợ, tần ngần trước những con tôm sông, cá ao nho nhỏ, và mua chúng về thả vào chiếc bể kính trong căn nhà nhỏ bé sạch bóng. Nàng ngắm chúng ngây thơ bơi qua bơi lại, và mỉm cười yêu kiều.
Dần dà, những bữa tiệc giao đãi khách hàng của chàng dày đặc hơn, những mùi hương chàng mang về nhà cũng ngày càng phức tạp hơn. Mùi quán xá, mùi rượu, mùi tiệc, mùi nước hoa, mùi tiền mới lĩnh từ nhà băng, có khi có cả mùi của những cảm giác mà nàng ngờ ngợ không đoán được tên gì. Nàng lặng lẽ dần, kiệm lời, không vui vẻ như xưa. Nàng không vui buồn vì yêu chồng và đợi chồng nữa. Giờ nàng vui theo phim hài, buồn khóc theo phim truyền hình Hàn Quốc, và ôm gối ngủ vùi trước màn hình tivi, lấy chuyện đời trên màn ảnh để giải khuây chuyện lòng mình.
Chàng thường lay vợ dậy với lời thanh minh, xin lỗi, tối nay vừa phải tiếp khách quan trọng. Lời xin lỗi ấy không cần ai nói, nàng cũng biết đó chỉ là thanh minh. Và thanh minh là dấu hiệu khởi đầu của dối trá.
Anh chồng bắt đầu có những đêm không về, hoặc phải đi công tác tỉnh ngoài, hoặc lo việc khẩn cấp. Công việc càng hanh thông, bên anh chồng càng nhiều người khen nịnh, tán tỉnh. Anh chồng thường cười tự hào. Cô vợ ngày càng ít đi ra khỏi cửa. Những bữa cơm một mình cô vợ chỉ ăn mì gói cho tiện. Và không ra chợ mua rau tươi, chỉ tới siêu thị mua ít vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Cuộc sống lứa đôi trở thành cuộc sống riêng hai khoảng trời, chỉ chung nhau phòng ngủ. Anh chồng thường an ủi vợ, xin lỗi vợ nhé, tại anh bận rộn quá. Cho tới một ngày, cô vợ cũng không buồn gọi điện hỏi xem mấy giờ chồng về nhà nữa, vì cô không muốn nghe đầu dây kia điện thoại nói xin lỗi, khách sáo như thể đó không phải là chồng mình.
Bởi câu xin lỗi là một câu nói đãi bôi.
Bà vợ sếp bắt đầu học cách tivi dạy dỗ, rằng chồng không thích về nhà ngắm vợ là bởi vợ đã trở nên cũ kỹ. Tivi dạy rất nhiều kỹ năng làm vợ. Bà vợ quyết không chịu thua, quyết tự mình giành lấy hạnh phúc của mình chứ không chịu đầu hàng cuộc sống. Bà vợ sếp đi spa, làm đẹp, đổi kiểu tóc, thay đồ hiệu thời trang. Và rời tiệm trang điểm, bà vợ sếp tự tin tới công ty chồng để chuẩn bị cho sự ra đời của một “sếp bà” chính hiệu, đẹp và quyền lực.
Công ty chồng đẹp hơn mấy năm trước thời chàng và nàng còn hò hẹn. Vợ sếp đi qua cửa kính, qua các cô lễ tân trẻ măng, qua thang máy xịn, qua hành lang thiết kế đẹp để tới phòng làm việc của sếp. Và khi đẩy cửa…
Bà vợ không nhìn thấy ông chồng hay thanh minh xin lỗi của mình. Nàng không thấy chàng đã cầu hôn mình. Cô gái không bắt gặp cậu bạn học đã xịt lốp xe đạp của mình. Cô bé không gặp được cậu hàng xóm đã cướp tôm của mình mang về thả lu nước ngày xưa. Chỉ nhìn thấy một người đàn ông đang làm tình với một người đàn bà trên bàn làm việc.
Đêm ấy giông gió trên khắp thành phố lớn. Người chồng đội mưa chạy theo vợ về nhà, hổn hển nói, anh xin lỗi, anh vẫn còn rất yêu em. Nhưng người vợ dường như không nghe thấy gì cả. Bởi lời xin lỗi đã trở thành mũi dao đâm xuyên thấu trái tim cô.
Người đàn bà mất tích khỏi cuộc đời người đàn ông từ đó. Căn nhà trống, chỉ toàn đồ vật không hơi ấm. Điện thoại của người đàn bà bỏ lại chỉ có một số điện thoại của người đàn ông lưu trong đó. Chồng là người quen duy nhất, người bạn duy nhất, người thân duy nhất mà người đàn bà cần lưu giữ. Khi tình yêu ấy chết đi, người đàn bà cô đơn và trắng tay đi vào cuộc đời. Chị mang theo lũ cá tôm bé bỏng ở góc nhà, nhưng người đàn ông vốn không bận tâm điều đó. Ông ta vội vã và mong muốn đi tìm vợ, thời gian đâu tìm lũ cá tôm vô danh bỗng dưng đã biến mất.
Người vợ đã biến mất y như quá khứ.
Một ngày, bưu điện chuyển tới nhà người chồng một bưu phẩm. Trong đó là những tiêu bản tôm, cá đã khô kèm một bức thư:
“Em không còn đủ dũng cảm để tìm gặp lại anh một lần nào nữa, bởi em quá yếu đuối, hoặc bởi em không còn muốn gặp lại anh thêm, em nghĩ anh chắc vẫn là anh, anh vẫn không có gì thay đổi đâu. Bởi thế, nên giờ đây em sống khá dễ chịu, em đã học được cách yêu bản thân, em học được cách kiếm tiền nuôi bản thân, em biết sử dụng thời gian để sống chứ không phải để chờ đợi anh về nhà, chờ những mâm cơm nguội đi, với cái máy điện thoại mở suốt 24 giờ chờ anh gọi về.
Đơn li hôn đã ký sẵn em để dưới chậu cá góc phòng, anh ký rồi gửi ra tòa là xong. Xin lỗi anh, em thực sự mệt mỏi rồi.”
Một ngày sau, tivi đưa tin một phụ nữ nhảy lầu tự sát, từ một chung cư cũ.
Có người chỉ nói “Xin lỗi” một lần trong đời, nhưng xin lỗi như một câu nói kết thúc.
Nếu bạn yêu ai, hãy thương lấy người đó. Hãy ít nói “xin lỗi” đi, bởi yêu và thương quý giá hơn mọi lý do khác.
*Tít bài cũ do tác giả đặt: Hôn nhân sorry
Theo Mẹ Điên - Trang Hạ dịch/VietnamNet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét