Rộ mốt mua đất nghĩa trang báo hiếu: Hay nhưng phải đúng cách

Đừng bị “kích cầu ảo”

 Theo quan điểm nhà Phật, chữ Hiếu không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà ở thái độ của những người con có tấm lòng thành kính với cha mẹ. Ảnh: T.G

Theo quan điểm nhà Phật, chữ Hiếu không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà ở thái độ của những người con có tấm lòng thành kính với cha mẹ. Ảnh: T.G

Trước quan điểm, con cái báo hiếu cha mẹ bằng cách mua đất chuẩn bị hậu sự trước khi cha mẹ còn sống, TS Bùi Hồng Quân (Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và Chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt) cho biết, để đánh giá việc con cái mua đất tiền tỷ lo hậu sự cho cha mẹ khi còn sống là có hiếu hay không phải xét từ động cơ, mục đích của người con khi thực hiện việc này. Nếu con bỏ mặc cha mẹ khi họ còn sống rồi bỗng dưng mua đất xây những ngôi mộ thật to cho cha mẹ để nói rằng báo hiếu thì đó là chữ hiếu méo mó.

Ngược lại, những người con trong cuộc sống thường ngày quan tâm, chăm sóc cha mẹ khi họ còn sống mà họ có điều kiện để mua tặng đất hậu sự cho cha mẹ để họ an tâm nơi “ở bên kia” cũng là điều đáng trân trọng, đấy mới là chữ hiếu đúng nghĩa.

Còn chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình thì cho rằng: Cũng như người xưa, người già được con cái, họ hàng đóng trước cho cỗ quan tài. Có người chuẩn bị đóng quan tài 20 năm sau mới dùng đến. Bây giờ quan tài dễ mua nên không ai làm vậy nữa. Việc chuẩn bị đất hậu sự người xưa cũng đã có. Bây giờ đất chật người đông, ở thành phố và nhiều vùng đô thị phải đi mua mộ phần, không còn tự đi chọn hướng cắm đất tự nhiên như xưa. Nhiều người còn lo lắng và chủ động mua đất nghĩa trang để dự phòng cho gia đình, chủ yếu là cho cha mẹ già và coi đó là hoạt động báo hiếu, đó cũng là tâm lý tự nhiên.

Việc phải mất hàng tỷ đồng hay vài triệu đồng sẽ có giá trị như nhau và là tốt nếu xuất phát từ tấm lòng chân thật, sử dụng hài hòa không xa hoa lãng phí, đó là báo hiếu. Còn nếu báo hiếu cha mẹ theo quan niệm, trào lưu, để thể hiện đẳng cấp hoặc liên quan đến nhận thức mê tín dị đoan không phải báo hiếu. Hơn nữa, cái gì cũng có hai mặt. Ví dụ, bản thân nhu cầu không thật nhưng do bị “kích cầu ảo” của người khác, mua theo phong trào và gắn nó với cái “nhãn” báo hiếu thành ra lãng phí và có khi lại nảy sinh những suy diễn, hiểu lầm xích mích lẫn nhau.

Cần có sự trao đổi trước với cha mẹ

Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình

Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình

Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình cho biết, thật ra, giờ đây rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng về chuyện hậu sự cho chính mình, luôn lo lắng sẽ chôn ở quê hay ở nghĩa trang thành phố, chỗ gần ai, cảnh quan, hướng như thế nào? Nhiều người quan niệm rằng, trần sao âm vậy nên bày tỏ chuyện đó với con cháu.

Nắm bắt được tinh thần đó, con cái bỏ tiền ra mua tặng bố mẹ, bố mẹ vui đó là điều tốt đẹp. Đó là một phần của hiếu thuận. Ngược lại, đùng một cái mang “bìa đỏ” huyệt mộ đến tặng bố mẹ, các cụ không chuẩn bị trước sẽ choáng. Nếu gặp cha mẹ có quan niệm rằng làm thế là “ám quẻ”, “xúi quẩy” thì lại mắc tội vô đạo, bất hiếu hoặc ít nhất cũng bị mang ra chê cười.

Đặc biệt, khi con cái mua trước “mộ phần” tặng cha mẹ phải hết sức cân nhắc xem cần nói gì và ứng xử thế nào với anh em họ hàng, người ngoài. Nhiều khi do mâu thuẫn, đố kỵ, có yếu tố tranh giành tài sản nào đó mà có người mang chuyện này ra thêu dệt là con cái có ý xấu với bố mẹ, thậm chí nhỡ bố mẹ mất, hoặc ai đó mất dễ bị quy chụp là tại… mua mộ trước nên “phạm” thì cũng rất đau đầu.

Còn TS Bùi Hồng Quân nhấn mạnh, tặng quà cho cha mẹ cũng cần có nghệ thuật. Con cái cần phải tính đến thời điểm thích hợp để cha mẹ cảm thấy được hạnh phúc nhất, có như vậy mới đúng mục đích của người tặng. Người già ở tuổi gần đất xa trời, họ rất nhạy cảm khi nói đến cái chết. Vì vậy, con cái trước khi muốn mua đất nghĩa trang biếu cha mẹ thì nên thăm dò, trò chuyện trước để từ đó nắm bắt được tâm lý của cha mẹ và hành động thuận lòng các cụ.

Trường hợp, con cái thấy cần thiết phải lo lắng cho các cụ mà thấy biểu hiện của cha mẹ không đồng tình thì chưa nên công khai việc tặng “quà độc” này. Khi mà các cụ cảm thấy cuộc sống không còn bao lâu nữa thì lúc đó con cái mới nên nói.

Theo quan điểm của nhà Phật, chữ Hiếu không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà ở thái độ của những người con, ở tấm lòng thành kính, cách sống và làm việc của họ trong xã hội, kể cả cách truyền tư tưởng hiếu đạo với thế hệ sau.

Báo hiếu cha mẹ không phải cần đợi khi trưởng thành, giàu sang mà có thể làm bất cứ khi nào. Con cái thể hiện tình yêu, lòng thương kính với cha mẹ bằng lời nói và hành động. Khi cha mẹ còn tại thế hãy săn sóc, phụng dưỡng đầy đủ những nhu cầu vật chất trong cuộc sống thường nhật. Mọi thứ xuất phát từ tâm của người con hiếu thảo với thái độ tôn trọng mới thực sự là cách báo hiếu làm cha mẹ an vui trong những tháng ngày còn lại. Có không ít gia đình giàu có, dư dả nhưng cha mẹ nuốt buồn phiền, đắng cay hàng ngày khi ấy chữ hiếu đã méo mó, không được trọn vẹn.

“Để làm cha mẹ vui lúc tuổi già hay làm trọn chữ hiếu, người con có nhiều cách. Ví dụ như chăm sóc, động viên bảo đảm các nhu cầu bình thường cho cha mẹ. Nuôi dạy con cái cho tốt, biết quan tâm đến người khác, đến cộng đồng đó là hoạt động báo hiếu. Hơn hết, mình phải tử tế, hướng thiện, tự hoàn thiện bản thân là cách báo hiếu sâu sắc và tốt nhất”.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình

Phương Thuận

Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét