Con dâu luôn chia sẻ, học hỏi ở mẹ chồng để gia đình luôn đầm ấm. Ảnh minh họa
Bức xúc với mẹ chồng nghiêm khắc
Chị Mai Hoa (32 tuổi, ở TPVinh, Nghệ An) chia sẻ, lớn tuổi chị mới lấy chồng. Khi ấy chị đã là giám đốc một công ty con, song cũng biết nấu nướng, thu vén việc nhà. Hôm ấy mẹ chồng bận việc, giao cho chị ở nhà nấu mâm cỗ cúng. Chị hăm hở trổ tài, nhưng khi mẹ chồng về kiểm tra thấy chị làm không đúng ý, thế là bà bảo chị bê xuống bếp cho mấy người giúp việc ăn. Rồi tự tay bà nấu một mâm cỗ khác để cúng, khiến chị vừa phụ mẹ chồng làm cỗ, vừa bức xúc phát khóc.
Lần khác, chị đi công tác nước ngoài về mua biếu bố mẹ chồng mấy bộ quần áo và sắm cho hai vợ chồng những bộ đồ thời trang. Khi thấy nàng dâu xúng xính diện bộ váy hở vai đi ra đi vào, mẹ chồng gọi chị lại không cho phép mặc những bộ đồ đó, dù ở trong nhà. Những bộ quần áo thời trang chị biếu, mẹ chồng cho em gái của bà vì cho rằng những bộ đồ đó quá trẻ trung, không hợp với độ tuổi của bà.
Ít ngày sau, chị Hoa được mẹ chồng gọi ra trò chuyện. Bà bảo là phận dâu cả trong nhà, nhưng là dâu trưởng họ nên trọng trách lo toan cho một gia đình gia giáo là rất nặng nề. Vì vậy cách ăn mặc, đi đứng, nói cười của chị luôn phải nghiêm túc để “người trên trông xuống, người xa trông vào”. Những bộ quần áo thời trang hở hang không hợp khi mặc trong với gia đình. Làm cỗ bàn cũng phải bài bản: Cỗ thường 4 bát, 4 đĩa, cỗ lớn hơn phải 6 bát, 6 đĩa, hoặc 8 bát, 8 đĩa. Có những dịp lễ giỗ lớn thì mâm cúng lớn xếp cao 2, 3 tầng phải khéo… Xưa mẹ chồng bà rèn giũa để bà đảm đương vai trò “nội tướng”, nay truyền dạy cho con dâu mới. Ở ngoài nàng dâu giỏi giang là giám đốc, nói ai cũng phải nghe nhưng về nhà đi đâu cũng phải xin phép, nói năng rõ ràng, đi đứng khoan thai, đủ lễ nghĩa... Làm việc gì cũng phải hỏi ý kiến mẹ chồng, rồi mới cân nhắc làm hay không.
Ức chế vì việc gì mẹ chồng cũng bắt làm lại
Chị Nguyễn Thị Huệ (ở Cẩm Phả, Quảng Ninh) khi mới về làm dâu cũng rất ức chế với mẹ chồng, vốn nổi tiếng là cô giáo rất nghiêm khắc với học trò. Sau đám cưới chị rửa rổ rau sống, ngâm nước muối xong vớt ra vẩy cho ráo nhưng bày ra đĩa thì mẹ chồng chê chị rửa mạnh tay và ngâm nước muối lâu nên rau bị nát, không đẹp mắt. Chị rửa bát đĩa úp vào chạn thì bà nhắc chị úp bát xô lệch, không theo hàng lối, phải úp lại. Chị phơi quần áo, bà lắc đầu, bắt chị gỡ xuống, giũ mạnh từng cái quần áo rồi mới mắc vào mắc áo để quần áo phẳng, khi khô không tốn công là ủi... Ngay cả việc chị quét nhà bà cũng chê chị không moi ngóc ngách, không lau kẽ cầu thang… Việc gì chị làm bà cũng không bằng lòng, nghiêm khắc bắt chị làm đi làm lại, khiến chị cảm thấy bị soi mói, ngột ngạt mà không dám cãi lại.
Chị Huệ đem chuyện về kể với mẹ đẻ và bàn cách ứng xử phù hợp. Mẹ chị Huệ khuyên con nên nhờ chính mẹ chồng dạy cho cách rửa rau không nát, cách úp bát, cách phơi quần áo… và cách thu xếp việc nhà theo đúng ý bà. Mẹ chồng thấy con dâu chịu tiếp thu và làm theo ý bà nên vui lắm, gia đình cũng đầm ấm hơn. Hai lần chị ở cữ, một tay mẹ chồng chăm sóc cả dâu con không nề hà việc gì.
Năng trò chuyện, tránh lời qua tiếng lại
ThS tâm lý Ngô Thị Thu Huyền, Phòng Tư vấn đời sống tâm lý (phố Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Nhập gia thì phải tùy tục”, ở nhà chồng nếu nàng dâu thể hiện những cảm xúc riêng như cáu bẳn, ghét bỏ, giận dữ, đối phó, trả đũa… khi mẹ chồng nghiêm khắc dạy bảo thì sẽ biến thành mâu thuẫn. Nếu mẹ chồng khó tính thì sẽ xảy ra cuộc chiến trong gia đình.
Vì vậy, nàng dâu nên thay đổi mình khi về nhà chồng. Đã lấy chồng thì không thể thay đổi được hoàn cảnh, mà nàng dâu hãy tự thay đổi suy nghĩ và hành động của mình theo nền nếp gia phong nhà chồng. Nhà nào cũng có một số nguyên tắc chung, “nhập gia” thì phải tôn trọng. Nàng dâu đừng thể hiện cái tôi cá nhân của mình mà nói lại vì sẽ gây bất hòa. Nếu nàng dâu lúc nào cũng cho mình đúng, mình giỏi, mình hiểu biết… mà không tôn trọng ý kiến của mẹ chồng, thì cuộc sống gia đình sẽ khó bề yên ấm.
Hãy chủ động hỏi mẹ chồng cách thức thu xếp bếp núc, cách sắp xếp công việc và những việc trong nhà của bà để học hỏi, áp dụng. Không phải mẹ chồng - nàng dâu nào cũng không hợp nhau, nhưng không phải con dâu nào cũng khó chịu với bố mẹ chồng. Thực tế là, mẹ chồng nào cũng dành tình cảm tốt đẹp cho con, cho cháu.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Hoàn (Trung tâm tư vấn gia đình An Nam) cho rằng, với những mẹ chồng nghiêm khắc, muốn chỉ bảo, dạy dỗ thì nàng dâu khôn ngoan hãy tôn trọng, lắng nghe, học hỏi theo ý bà cho phù hợp với gia đình. Mẹ chồng nào cũng muốn nàng dâu biết thay mình lo lắng, chăm sóc cho con cháu và đại gia đình. Việc này đòi hỏi nàng dâu có chủ động về nữ công gia chánh, kiến thức cuộc sống. Có khó khăn gì thì hãy trò chuyện, chia sẻ, học hỏi ở mẹ chồng.
Các nàng dâu cũng nên có độc lập riêng, không nên răm rắp nghe cả những cái sai của mẹ chồng, mà hãy cởi mở trò chuyện trao đổi để hai mẹ con dễ thông cảm. Nhưng vì mẹ chồng – nàng dâu là hai thế hệ quá khác nhau. Nếu không thể dung hòa thì nàng dâu cũng không nên quá chịu đựng, ức chế, không chia sẻ với ai mà dễ bị thành trầm cảm, cũng không cố gò ép ở chung, mà có thể ra ở riêng.
Các chuyên gia cho rằng, mẹ chồng thường nghiêm khắc rèn giũa các nàng dâu khoảng 3 – 4 năm đầu, rồi giảm dần nếu nàng dâu biết tiếp thu và học hỏi.
“ Nàng dâu không nên trách giận, bực tức, hay than thở, đặc biệt là không kể xấu mẹ chồng với người ngoài tránh kiểu nói đi thì nhẹ, nói lại thì nặng. Trường hợp mẹ chồng khăng khăng bắt ép nàng dâu theo ý mình quá, nàng dâu cũng không nên phản kháng, mà tìm cách nhờ chồng tham gia thu xếp cho ổn. Trường hợp nhà con một, neo người buộc phải ở lại thì hãy luôn nhớ là mẹ chồng không bao giờ thay đổi, mà chỉ có nàng dâu cần thay đổi”.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Hoàn
Uyển Hương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét