Yêu nhau hai năm gặp đúng... hai lần!
Nhập ngũ năm 19 tuổi, tính đến thời điểm hiện tại, Trung úy Nguyễn Viết Tưởng đã có 13 năm gắn bó với quần đảo Trường Sa.
Ở thôn Tiên Trượng, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, mỗi khi ai đó nhắc đến gia đình Trung úy Nguyễn Viết Tưởng và cô giáo Đỗ Thị Thơm, người dân nơi đây luôn tỏ lòng mến thương, xúc động.
27 tuổi, chị Thơm đã là mẹ của hai bé trai ngoan ngoãn, kháu khỉnh. Vất vả, thiếu thốn tình cảm của chồng nhưng ánh mắt, nụ cười của người phụ nữ ấy vẫn toát lên vẻ hồn nhiên như thuở mới nhận được lời tỏ tình từ anh.
Tâm sự với chúng tôi, chị thành thật: "Chúng em ở hai xã gần kề, quen nhau trong dịp anh ấy về phép, yêu nhau hai năm thì cưới. Trong hai năm ấy, chúng em gặp nhau đúng... hai lần! Một lần là lúc mới quen, một lần nữa là ngày cưới. Yêu xa nên chúng em chỉ còn cách tâm sự qua những cánh thư, sau này là điện thoại. Ngày trước, mỗi lần viết thư, anh ấy còn chép cả thơ gửi về tặng em, lúc có điện thoại rồi thì toàn hát cho mấy mẹ con em nghe. Anh nhà em sống tình cảm, nghe tiếng con ê a, đùa nghịch anh ấy vui đến mức chẳng nói được gì".
Ba mẹ con chị Đỗ Thị Thơm
Hai con trai của vợ chồng anh Tưởng - chị Thơm đều ra đời trong lần anh về phép chờ huấn luyện với thời gian ngắn ngủi.
Thấm thoắt, con trai lớn của họ - cháu Khôi Nguyên - đã 4 tuổi, ngày ngày theo mẹ đến trường mẫu giáo còn cháu thứ hai tên là Việt Anh mới 7 tháng tuổi được ông bà nội trông nom.
Chị Thơm chia sẻ, cả hai lần chị sinh con đều không có chồng bên cạnh. Khi được hỏi về cuộc sống thiếu vắng chồng, chị không giấu nổi đôi mắt ngấn lệ: "Ngày chúng em mới quen nhau, anh Tưởng đã tâm sự với em rằng anh ấy yêu biển đảo và xác định gắn bó lâu dài, không hứa hẹn bao giờ sẽ xin chuyển công tác vào đất liền. Em yêu anh ấy thật lòng nên xác định mình chấp nhận và ủng hộ anh làm nhiệm vụ.
Thú thực, cũng có lúc em chạnh lòng lắm. Khi em sinh cháu Khôi Nguyên, lần đầu tiên được làm mẹ nhưng em đã rơi nước mắt vì không có chồng ở bên. Cháu thứ hai chào đời, em gặp ca sinh khó, vật vã hết ngày này qua ngày khác cũng chỉ nghe được tiếng chồng gọi mình qua điện thoại. Lúc đó, em nghe cả tiếng sóng, tiếng gió ngoài khơi xa".
Con gặp bố nhất định không theo...
Hơn 5 năm kết hôn, con trai lớn của chị Thơm dù đã 4 tuổi nhưng mới được gặp bố hai lần còn bé Việt Anh thì từ lúc chào đời đến giờ chưa từng gặp bố.
Chị chia sẻ, mỗi lần con trai lớn nói chuyện với bố qua điện thoại đều "so bì": Các bạn có bố đến đón, có bố chơi cùng còn con thì không; Sao bố đi mãi không về với con; Sao bố không về thăm em bé... Thương con, chị và bố mẹ chồng tìm cách nói sang chuyện khác để con quên đi.
Bé Khôi Nguyên và Việt Anh nhận quà ngày Tết thiếu nhi 1/6
Liên lạc với Trung úy Nguyễn Viết Tưởng qua điện thoại, anh tâm sự: "Hôm nay là ngày Tết thiếu nhi, tôi nhớ gia đình, đặc biệt là hai con nhỏ. Lần đầu tiên tôi gặp Khôi Nguyên lúc đó cháu mới 1 tuổi, chưa biết nhiều nên bố bế là theo ngay. Đến lần thứ hai, cháu biết lạ liền khóc khóc, đẩy bố ra đi tìm mẹ. Phải gần một tuần sau, hai bố con tiếp xúc nhiều thì cháu mới "quen hơi", chịu chơi với bố.
Xa cách bao giờ cũng thiếu thốn, thiệt thòi về tình cảm nhưng vì nhiệm vụ nên những người lính như tôi chỉ biết cố gắng hết mình để làm nhiệ vụ và dành trọn nhớ thương, có cả lòng biết ơn cho gia đình mình. Đến Tết 2017, nếu tôi được về phép thì cháu Việt Anh chừng 1 tuổi, chắc sẽ theo bố như anh Khôi Nguyên ngày trước. Anh em chiến sĩ ở đây, không phải mình tôi mà còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, thậm chí còn éo le vất vả hơn tôi rất nhiều".
Anh Tưởng tâm sự, Đảo Đá Lớn nơi anh công tác là đảo chìm thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Mùa này, nơi anh đóng quân luôn trong tình trạng thiếu nước ngọt, máy lọc nước không có, quanh năm khát mưa thừa nắng.
Không chỉ thiếu thốn tình cảm, Trung úy Nguyễn Viết Tưởng và các chiến sĩ nơi đây còn phải thích nghi với điều kiện khí hậu, sinh hoạt vô cùng khắc nghiệt.
Chị Thơm và bé Việt Anh
"Hai vợ chồng tôi cưới nhau hơn 5 năm nhưng nếu tính thời gian, ăn ở với nhau chắc được vài tháng. Đôi lúc tôi cũng nghĩ ngợi về trách nhiệm của một người chồng, người cha không chăm sóc được vợ con mình. Gia đình luôn động viên tôi xin chuyển công tác về gần nhà nhưng tôi vẫn quyết định gắn bó với biển đảo.
13 năm sống nơi đầu sóng ngọn gió đâu phải nói chuyển đi là chuyển đi được. Nếu cấp trên có đồng ý thì có lẽ tôi vẫn đau đáu không nỡ "dứt tình", anh Tưởng nói.
Trò chuyện với chúng tôi, anh đọc lại câu thơ quen thuộc mà anh thường chép ở cuối thư gửi về cho chị Thơm ngày hai người đang yêu nhau: "Đảo nhỏ canh khuya ca gác đã tới rồi/ Xin chào em và mong ngày gặp lại/ Đừng để phong ba có một lần nghi ngại/ Gió đất liền đâu phải gió Trường Sa".
T.Phương/Báo Gia đình & Xã hội
0 nhận xét:
Đăng nhận xét