5 dấu hiệu mối quan hệ rạn nứt có thể cứu vãn

Trong cuộc sống dù cố tránh nhưng có những mối quan hệ thân mật vẫn đi đến đổ vỡ. Thông thường người ta sẽ cố gắng tìm cách giải quyết, tháo gỡ khúc mắc trước khi chấp nhận chấm dứt mối quan hệ hiện có.

Mặc dù khi sự cố nào đó xảy ra khiến thành trì hôn nhân lung lay, nhiều người nghĩ rằng sẽ không còn đường nào để cứu vãn. Tuy nhiên, hãy xem lại. Mối quan hệ ấy vẫn sẽ còn cơ hội gương vỡ lại lành nếu tồn tại năm yếu tố sau.

Còn mục tiêu chung

Nghĩa là hai vợ chồng đang thực hiện chung một kế hoạch lớn nào đó, sẽ càng thuận tiện hơn nếu hai người là đồng nghiệp, đồng môn (vẫn đang học). Tần suất gặp nhau càng nhiều (dù đã ly thân) thì khả năng hàn gắn càng cao.

Trường hợp đang chung tiền mua nhà cũng có thể coi là mục tiêu chung. Những điều kiện khách quan khiến hai người phải thường xuyên gặp mặt, bàn bạc, trò chuyện, thỏa thuận… quá trình cùng nghĩ, cùng làm này giúp mâu thuẫn có cơ hội được hóa giải nếu cả hai đều có thiện chí.

Con cái cũng là nhân tố hàn gắn quan trọng trong hôn nhân.

Khi có hỗ trợ bên ngoài

Mối quan hệ của hai người được rất nhiều người thân, bạn bè quan tâm. Những người bạn tin tưởng nhất, tôn trọng nhất đều muốn hai bạn hàn gắn, điều này sẽ tác động rất lớn đến quyết định cuối cùng.

Ngược lại, nếu xung quanh đều đồng loạt nhất trí cho quyết định chia tay thì sẽ khiến bạn càng khó quay đầu.

Nếu thâm tâm bạn đang muốn hàn gắn thì hãy nói chuyện với những người bạn tin tưởng, những người thật lòng yêu quý bạn, nếu họ có cuộc sống hạnh phúc thì càng tốt để bạn không bị lây lan cảm xúc xấu từ những người có suy nghĩ tiêu cực.

Chưa quên cảm giác yêu thương

Đây là một yếu tố quan trọng. Vì tình yêu, người ta có thể vượt qua được những điều rất khắc nghiệt, bỏ qua được lỗi lầm dù là tày trời.

Nếu cả hai còn cảm thấy yêu thương nhau, mâu thuẫn của hai bên sẽ có nhiều cơ hội được hóa giải trong sự thỏa hiệp, tha thứ và bao dung.

Biểu hiện tình yêu vẫn còn thông qua những cử chỉ quan tâm, sự hối lỗi chân thành, cảm xúc nhớ nhung, sự va chạm cơ thể không tạo ra cảm giác khó chịu, người này vẫn muốn cười với người kia và ngược lại.

Nếu sau xung đột tình cảm yêu thương lấp đầy được nỗi đau, mối quan hệ của hai người sau đó còn có thể thắm thiết hơn trước đó.

Cả hai nhìn nhận trách nhiệm

Nếu một trong hai người đã lừa dối người kia, điều đó không có nghĩa là “nạn nhân” cũng có lỗi. Tuy nhiên, hành vi của người có lỗi là một quá trình và có nhiều nguyên do để đẩy đến sự cố ấy.

Dù với nguyên do gì, việc rạn nứt tình cảm, đặc biệt là trường hợp có người phản bội, là trách nhiệm của cả vợ lẫn chồng và cả hai phải thừa nhận điều ấy.

Các chuyên gia tâm lý nhận định: "Việc xây dựng lại lòng tin là vô vọng nếu từng người không thừa nhận trách nhiệm của mình”. Tùy vào vị trí, mức độ, cả hai phải nhìn nhận lại bản thân, dám chịu trách nhiệm và nhận ra cái sai, cái thiếu sót của mình.

Nếu người có hành vi lừa dối bạn đời không nhận lỗi của họ, khả năng tái phạm trong tương lai là rất cao.

Cả hai đều muốn làm gì đó để hàn gắn

Một điều rõ ràng, các mối quan hệ không bao giờ tự nó tốt hay tự nó xấu mà không có hành động của con người. Khi lâm vào khủng hoảng, hành động càng phải quyết liệt, thường xuyên và hết lòng hết sức hơn bao giờ hết.

Nếu một trong hai, hoặc cả hai không bị thôi thúc phải hành động để hàn gắn mối quan hệ bởi cảm giác mệt mỏi, chán nản đã chiếm hết tâm trí, mọi thứ sẽ ngày càng tồi tệ.

Có thể ngay khi xảy ra mâu thuẫn, không ai muốn nhìn mặt ai nhưng sau đó nhiều ngày, nhiều tháng cảm giác đó không thay đổi thì mối quan hệ của bạn đang rất đáng báo động.

Các chuyên gia cho rằng nhiều vấn đề có thể giải quyết, tuy nhiên có một vấn đề sẽ không bao giờ giải quyết được. Đó là sự lợi dụng, về vật chất hay tinh thần, đều không thể dung thứ.

Theo PLTPHCM

Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét