Mối tình của bà Debbie Ricker ở California, Mỹ với chồng là Michael bắt đầu như bao đôi lứa khác. "Tôi gặp ông ấy ở một nhà hàng. Tôi đi cùng bạn. Ông ấy nói 'xin chào' và không hiểu sao tôi mời ngồi chung bàn. Buổi đầu đó, ông ấy tỏ ra rất dễ thương", bà Ricker, 60 tuổi, nhớ lại.
Sau đó, hai người tiếp tục gặp gỡ và trong vòng hai tháng, Michael rủ Ricker tới sống chung. Có vẻ quá nhanh nhưng Ricker, khi ấy đã sang tuổi 30 và đang mong có con, đã đồng ý. "Lúc đó tôi rất cô đơn. Ông ấy ngày càng hay chỉ trích nhưng tôi từng có một ông bố rất bạo lực nên việc này khá quen. Thời điểm đó, tôi chưa bao giờ biết tới bạo hành bằng lời nói", bà kể.
Bà đã đồng ý kết hôn. Sự kiểm soát của ông Michael với bà ngày càng tăng sau kỳ trăng mật của hai người. Sau đám cưới một tháng, bà có bầu và bị chồng bắt phá thai. Nhưng vì luôn khao khát được làm mẹ nên bà không làm theo.
Chồng bà không hỗ trợ bất cứ điều gì khi vợ đi làm lại chỉ sau một tháng sinh con. Khi đó, ông là kỹ sư điện còn bà làm tư vấn chăm sóc sức khỏe tâm thần trong bệnh viện và một số cơ sở ngoài. "Ông ấy chẳng bao giờ giúp tôi chăm con hay làm việc nhà nhưng luôn chỉ trích tôi làm sai. Tôi đã quá kiệt sức", bà kể.
Bà Ricker nhớ lại, một đêm, bà đọc được câu chuyện về một người mẹ trầm cảm sau sinh đã hại con mình. "Sự suy kiệt khiến tôi nghĩ 'liệu mình có làm điều gì như thế", bà nói. Bà đã khóc và kể với chồng về sự mệt mỏi và những ý nghĩ khổ sở của mình nhưng ông vẫn chẳng đoái hoài.
Hai người không làm "chuyện ấy" vài tháng sau sinh con gái nhưng cuối cùng ông Michael bảo với vợ rằng ông "là chủ" cơ thể của bà nên ông muốn làm gì cũng được.
Ảnh minh họa: In-cyprus.
Ngày đó, khi bị chồng cưỡng ép, bà Ricker còn không hề biết rằng bạo lực tình dục có thể tồn tại giữa chồng và vợ. "Ông ấy thức dậy vào sáng hôm sau và chửi mắng tôi, nói rằng tôi là một 'người vợ xấu xa' vì khiến chồng cảm thấy dơ dáy khi quan hệ chăn gối", bà nói.
Thật khó biết mức độ phổ biến của các hành vi bạo lực đối với bạn đời thực sự ra sao, chuyên gia tư vấn, tiến sĩ tâm lý Karla Ivankovich bày tỏ. "Chỉ có vài nghiên cứu từng được thực hiện về vấn đề này, và theo các báo cáo đó, có khoảng 10-30% vụ việc cưỡng dâm xảy ra trong số các đôi, bao gồm cả những cặp đồng tính, song tính và chuyển giới", bà giải thích.
"Khoảng 30% trong số các vụ cưỡng dâm là do người chồng, bạn trai thực hiện. Trong các đôi có bạo lực gia đình, tỉ lệ bị cưỡng ép quan hệ tình dục lên tới 70%", bà nói thêm.
Một trong những khó khăn trong việc thống kê các trường hợp này là nhiều người thậm chí không nhận ra rằng cưỡng dâm trong hôn nhân cũng là tội, như cưỡng hiếp. "Cho tới năm 1993, ở hầu hết các nơi tại Mỹ, ép bạn đời quan hệ tình dục không bị coi là vi phạm pháp luật. Đặc biệt, các điều luật còn loại trừ việc chồng/vợ là thủ phạm khi xác định xảy ra cưỡng dâm", tiến sĩ Ivankovich cho biết.
Là nơi giao thoa, hòa nhập của các nền văn hóa và tôn giáo, Mỹ cũng có những thách thức khác khi làm rõ tội danh cưỡng hiếp. "Bạn không thể bác bỏ vai trò của việc giáo dục và các niềm tin, tôn giáo. Trong một số nền văn hóa, vẫn tồn tại sự cho phép việc ép buộc vợ/chồng mình phải quan hệ tình dục và ở nhiều nơi, những điều xảy ra sau cánh cửa phòng ngủ luôn là bí mật", nhà tâm lý phân tích.
Nỗi đau dai dẳng của những người vợ bị chồng cưỡng bức
Bà Ricker kể rằng chồng đã cưỡng dâm bà 4 lần nhưng nỗi đau - về cả thể chất và tinh thần - thì không thể đo đếm được.
Bà đã đi khám phụ khoa sau một lần bị chồng cưỡng ép. "Bác sĩ hỏi có phải tôi vừa làm 'chuyện ấy' quá mạnh mẽ, thô bạo không. Tôi bị nhiều tổn thương và thậm chí phải phẫu thuật ở vùng kín để khắc phục những hậu quả do chồng mình gây ra", bà Ricker kể.
Sau đó, bà sinh đứa con thứ hai. "Con trai được thụ thai từ một trong những lần tôi bị chồng cưỡng bức. Có lẽ điều này ảnh hưởng nên tôi luôn thấy khó gắn bó với con sau khi bé chào đời", người mẹ nhớ lại.
Chấp nhận sự thật rằng mình bị cưỡng hiếp là một đòi hỏi quá sức đối với bà Ricker. Bà đã phải trị liệu tâm lý vì không thể gần gũi với đứa con thứ hai của mình.
Nhà tâm lý Ivankovich nói rằng "tác động xấu tới sức khỏe tâm thần" từ bạo lực tình dục trong hôn nhân là vô cùng lớn. "Trầm cảm, lo âu, mắc bệnh lây qua đường tình dục - là những điều dễ thấy. Đây vẫn là cưỡng dâm, và vì vậy tất cả những điều mà một người cảm thấy sau khi bị cưỡng hiếp thì người vợ bị chồng ép buộc cũng cảm thấy y như vậy", bà nói.
Cuộc hôn nhân của bà Ricker và ông Michael chỉ kéo dài 4 năm nhưng nó đã để lại nhiều tổn thương không thể chữa lành trong nhiều năm sau. Bà chưa bao giờ chính thức buộc tội ông cưỡng hiếp mình bởi vì bà không tin mình có thể bình tĩnh trước tòa, cũng như không muốn mất con.
"Quan tòa chỉ có 13 phút để nghe một trường hợp. Nhiều bà mẹ trở nên hoảng loạn trong khi kẻ gây bạo hành thì rất bình tĩnh, tỏ ra tử tế và thường là người lo kinh tế chính trong gia đình", bà bày tỏ. Trong 7 năm, chồng bà đã chịu một nửa trách nhiệm nuôi con nhưng Ricker thì mất tới 16 năm và 126.000 USD để đấu tranh giữ lại con.
Mặc dù các con đã trưởng thành và mối quan hệ của bà với chồng đã qua khá lâu, những ký ức về ngày tháng bị bạo hành của bà vẫn chưa chấm dứt. Hiện nay, bà đang duy trì một nhóm hỗ trợ cho những phụ nữ từng bị bạo hành và bà nói rằng việc này có lợi cho chính mình cũng như cho những người phụ nữ cần giúp đỡ.
"Tôi nhận ra rằng tất cả chúng tôi đều có chung một số đặc điểm. Chúng tôi nghĩ mình là những cô bé Lọ Lem và mọi điều sẽ ổn nếu biết đợi chờ. Chúng tôi không biết đặt ra và duy trì các ranh giới. Chúng tôi quá yêu và dễ mủi lòng, dễ dàng bỏ qua cho các hành vi xấu. Chúng tôi rất ngây thơ và không biết trân trọng bản thân. Nếu bạn hỏi một người từng bị bạo hành xem họ yêu thích màu nào và muốn làm gì để giải trí - thì họ sẽ chẳng có câu trả lời, bởi họ đã quên sống cho chính mình", bà Rickier chia sẻ.
Theo Vương Linh/VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét