Nhìn đôi mắt bố đỏ hoe, tôi biết bố thương bác Hanh nhiều lắm. Bố uống đến chén rượu thứ ba hay thứ tư gì đó thì gọi tôi vào ngồi bên cạnh và nói: “Bác Hanh sắp mất rồi, con ạ! Trước đây, bố đã hứa là cho con về làm dâu nhà bác Hanh. Bây giờ nếu có muốn thay đổi lời hứa cũng không kịp nữa. Bác Hanh đã hôn mê sâu rồi, có biết gì nữa đâu. Con chuẩn bị ngày mai ra Ủy ban xã, cùng thằng Kỳ làm thủ tục đăng ký kết hôn rồi về ra mắt bác Hanh cho bác ấy yên dạ mà nhắm mắt”. Tôi bật khóc nức nở: “Không không. Bố không được gả bán con như thế. Con với anh Kỳ có yêu nhau đâu”. “Không yêu rồi sống chung một thời gian sẽ yêu. Bố với mẹ ngày trước cũng có yêu nhau đâu. Nhưng sống chung một thời gian rồi yêu nhau thắm thiết. Con không hiểu bố yêu mẹ đến mức nào đâu. Nếu không nặng lòng yêu bà ấy thì chị em con đã có mẹ kế từ lâu rồi. Bố chịu cảnh gà trống nuôi con là vì rất yêu mẹ con và cũng sợ chị em con tủi thân. Chuyện hôn nhân của con, bố đã hứa với người ta rồi, không thể thất hứa được”. Tôi nằm khóc một đêm, sưng húp cả mắt. Càng nghĩ tôi càng nhớ thương Tú. Thân tôi thì chẳng tính làm gì. Nhưng phản bội Tú thì tôi đau lòng lắm. Thân em như hạt mưa sa. Hạt vào lầu gác, hạt ra ruộng lầy. Anh Tú ơi! Anh có hiểu nỗi lòng em lúc này không? Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn. Công của bố em to lắm nên em không thể cưỡng lại được ý bố. Nhưng trái tim em đã giao trọn cho anh. Giờ phải chiều theo ý bố, em như bị cướp mất một nửa cuộc đời. Anh ơi! Người đâu gặp gỡ làm chi.
Vừa sáng ra, bố tôi đã giục: “Con dậy rửa mặt, thay quần áo mới, chuẩn bị đi đăng ký kết hôn. Nếu không khẩn trương, sẽ không kịp đâu. Nếu ông Hanh tắt thở thì 3 năm sau các con mới được đăng ký”. Rồi Kỳ phóng xe đến, bố tôi dặn: “Hai đứa làm xong thủ tục thì về nhà trai ngay. Không có thời gian để chụp ảnh và thông báo cho bạn bè nữa đâu”. Chúng tôi làm theo bố dặn. Xong thủ tục ở Ủy ban xã, tôi và Kỳ về nhà bác Hanh. Lúc này bố tôi đã có mặt bên giường người bệnh. Bố cầm tay tôi, đặt vào tay Kỳ rồi cầm tay bác Hanh đặt lên và nói: “Con gái tôi về làm dâu nhà ông đây này. Ông yên tâm mà ra đi nhé”. Lúc ấy bác Hanh mở hé mắt nhìn tôi. Trong đôi mắt lờ đờ của bác có hai giọt nước mắt trào ra. Rồi bác ấy thở ra rất gấp rồi tắt thở. Bố tôi nói: “Chưa ai được khóc. Phải khâm liệm xong, phát tang rồi mới được khóc”. Rồi bố kéo tôi ra góc sân, dặn nhỏ: “Về tang phục, con trai, con gái, con dâu đội khăn sô, thắt lưng bằng sợi lạt. An táng xong về nhà phải tế, gọi là ngu tế. Ngày hôm trước gọi là sơ ngu, ngày thứ 2 là tái ngu, ngày thứ 3 là tam ngu. Ngu nghĩa là yên. Vì người mới mất, xương thịt mới chôn dưới đất, hồn phách chưa được yên nên phải tế 3 lần để yên hồn phách cho người vừa mất. Ngày nào phải cúng cơm 2 bữa. 49 ngày thì cúng tuần chung thất. 100 ngày thì cúng tuần tốt khốc, nghĩa là đến lúc đó con cái không phải khóc nữa. Trong 100 ngày con cái phải kiêng hẳn chuyện phòng the.
(Còn nữa)
Khánh Hoàng/Báo Gia đình & Xã hội
0 nhận xét:
Đăng nhận xét