Về mặt năng lượng, con gái thường bị hút vào bố và rất yêu bố. Ảnh: T.L
Tìm bố, chứ không phải tìm chồng
Một phụ nữ đến gặp bà Bùi Minh Tú, giảng viên về khoa học thiền định, nghiên cứu về gia đình và tiềm năng con người sụt sùi kể: Cả thời tuổi trẻ, bà vừa đi làm, vừa chăm lo gia đình, con cái. Chồng bà có tài, nhưng ông ấy chỉ lo việc cơ quan tối ngày. Thương chồng, bà cáng đáng hết việc nhà. Mỗi tháng chồng đưa lương đúng bằng số lương của bà. Những hôm bà bận về nhà mọi thứ trong nhà đều lộn xộn. Vì làm việc quá sức nên bà sinh ra hay ca thán, trách móc, giận hờn, cãi vã với chồng. Sau mỗi lần như thế, chồng bà lại về muộn không báo cơm, nếu có nhà thì gác chân lên bàn xem tivi, không bao giờ có ý thức dạy con, hay làm việc nhà. Không chịu đựng được nên một thời gian sau hai vợ chồng ly thân. Ông chồng dọn ra ngoài ở, bà cắn răng làm việc và bớt xén chi tiêu để nuôi con ăn học.
Những tưởng chăm cây sẽ tới ngày hái quả, nghĩa là bà nuôi dạy con khi con lớn bà sẽ an nhàn, thanh thản với con. Nào ngờ khi con gái đỗ đại học, người chồng vô trách nhiệm với gia đình sợ mất con bỗng quay về ra mặt hắt hủi vợ, nhưng lại nuông chiều con. Con đòi gì, muốn gì ông cũng đáp ứng. Từ ngày chồng quan tâm con cái, những đứa con bà dày công rèn giũa từ tấm bé dần thay đổi hoàn toàn theo ý cha. Các con không nghe lời mẹ nữa. Những giấy tờ quan trọng như: Hộ khẩu, giấy khai sinh bản chính của các con bà cất trong bao hồ sơ bao nhiêu năm nay bỗng dưng quay sang tủ của ông chồng. Mới đây con cần gấp giấy khai sinh thì bản chính mất, bản sao ghi sai giới tính… chồng bà mới vội đưa cho con một bản sao khai sinh có từ năm con bà mới sinh ra. Con gái ngỡ bố nó giữ gìn giấy tờ cho nó nên ra chiều cảm động lắm. Nghe mẹ nói “giấy tờ này bao năm nay bà cất giữ, ba nó chỉ “lấy” trong túi hồ sơ gia đình” thì con gái ra vẻ không tin mẹ. Thậm chí nhiều lúc bà phàn nàn với các con về bố chúng thì cả hai chị em đều quay sang phản ứng với mẹ, nói mẹ khó tính, quá đáng, chấp nhặt… rồi bênh bố chằm chặp.
Hôm rồi bà sốt cao 40 độ nhưng đành vò võ gọi xe ôm một mình vào viện. Bác sĩ cấp cứu ngạc nhiên hỏi “chồng bà đâu, con bà đâu”? Bà ứa nước mắt “Tôi có một mình, bác sĩ cứ cứu tôi đi”.
Gần 30 tuổi, con gái bà chưa có mảnh tình vắt vai. Lúc nào cũng chỉ lo toan cho bố. Bao nhiêu người đàn ông đến với con gái bà một thời gian ngắn rồi lại đi vì cô con gái ngúng nga ngúng nguẩy không chịu nhận lời. Lý do chỉ đơn giản là vì không thấy có điểm nào giống như bố. Cô con gái còn bảo sẽ chỉ lấy người đàn ông lớn tuổi, giỏi giang, tình cảm như bố.
Khó lấp đầy những “lỗ hổng”
Theo bà Minh Tú, với trường hợp này, chuyên gia trị liệu hàn gắn và chữa lành của Ấn Độ Dr. Newton đã phân tích: Nếu cuộc sống gia đình không hạnh phúc, cha mẹ đánh cãi chửi nhau sẽ mất đi sự kết nối, không còn sự hài hòa và giữa họ tạo ra “lỗ hổng” để con cái xen vào. Họ ở với nhau vì những đứa con và một trong những đứa con sẽ bị hút vào “lỗ hổng” đó.
Theo tự nhiên, con gái được bố thương nhiều hơn. Còn theo quy luật năng lượng thì con gái bị thu hút giới tính về phía bố.
Ở khoảng trống đó, người chồng không đầy đủ năng lượng nên sẽ đối xử với con gái như cô công chúa bé bỏng. Con gái sẽ bị hút về “lỗ hổng” và khi người bố không quan tâm tới mẹ nữa thì con gái trở thành mối quan tâm hàng đầu muốn gì cũng được chiều hết. Người bố sẽ khiến con gái yêu mình vô cùng. Nhưng thực ra cô con gái dù yêu quý đến mấy cũng không thể thân thiết như một người vợ (phối ngẫu) được. Thậm chí trên thế giới đã ghi nhận có những người bố trống vắng tình cảm, đôi khi còn hòa nhập với con gái về mặt tình dục.
Hậu quả sẽ là: Khi con gái trưởng thành, về năng lượng nó vô cùng trung thành với bố, nên rất khó có những mối quan hệ thành công với những người đàn ông khác. Đó là vì trong sâu thẳm, trong vô thức cô gái ấy đã có ý nghĩ, nếu có quan hệ tốt với đàn ông là sẽ phản bội bố mình. Cô ấy hấp dẫn đàn ông, nhưng không hạnh phúc bởi trong tiềm thức, cô ấy đi tìm bố, chứ không phải tìm chồng.
Đặc biệt, với những phụ nữ bị “mắc bẫy” như thế, chẳng may người bố chết sớm, thì từ trong vô thức cô ấy luôn khao khát tìm bố trong những người đàn ông và chỉ thích đàn ông cư xử với... mình như với con gái.
Với những cô gái ở với người mẹ mang trong lòng thù hận người chồng thì việc người mẹ kể lể với con gái, nói rằng cha đánh mẹ đau lắm, mẹ đau khổ lắm… đàn ông là vậy đó, con đừng có tin đàn ông… thì đứa con đã mắc bẫy vào người mẹ, trở nên ghét đàn ông, không tin đàn ông. Vì vậy, những cô con gái trong các gia đình “có vấn đề” rất cần được “hóa giải” bằng cách chữa lành những nỗi đau, để các cô gái được sống chính là mình, chứ không phải sống vì cha mẹ hay bị ảnh hưởng từ cuộc hôn nhân của cha mẹ.
Dương Hà
0 nhận xét:
Đăng nhận xét