Trong tình yêu, không có gì đau đớn hơn bị phản bội. Những chàng trai đã buông lời yêu đương hứa hẹn, rồi bỏ bê người yêu tán tỉnh cô gái khác. Những ông chồng quên trách nhiệm với vợ con, hú hí với tình nhân bên ngoài. Có kẻ thì lén lút, vụng trộm, có kẻ thì trắng trợn công khai. Nhưng dù phản bội dưới hình thức nào cũng làm đối phương đau đớn.
Người ta nói, tình yêu không phải là thứ có thể sở hữu, tôi vẫn hoài nghi điều này. Thực ra mình có thể sở hữu, con người ấy, tình yêu ấy là của riêng mình cho đến khi nó thay đổi. Nhiều ý kiến cho rằng, đã không yêu nữa thì thẳng thắn nói ra, “tiền bạc phân minh, ái tình sòng phẳng”, chia tay đàng hoàng mà đi cùng tình mới, cứ tay ba tay tư thế tránh làm sao được thảm họa. Nhưng vấn đề là ở chỗ “bỏ con rô thì tiếc, mà con diếc cũng không buông”. Tột cùng của nỗi đau chính là máu đổ.
Ghen tuông cũng muôn hình vạn trạng. Ghen như thế nào còn tùy thuộc vào bản lĩnh và sức chịu đựng của mỗi người. Có người chỉ nói nhẹ nhàng, có người buông lời cay nghiệt. Có người chỉ trách hờn khóc lóc, có người cào cấu giết chóc. Đàn ông khi ghen vợ, thường chỉ lôi vợ mình ra đánh. Đàn bà khi ghen chồng, chỉ muốn dập vùi tình địch vì tội “cướp chồng”, dù sự thật đôi khi là chính chồng họ “chạy theo” người ta trước.
Cha tôi kể, mẹ tôi cũng có chút máu ghen. Thực ra đàn bà ghen tuông cũng là chuyện thường tình. Mà cũng bởi cha tôi thời trẻ cũng có đôi chút trăng trời mây gió. Một lần, có cô bạn thời đại học của cha tiện đường ghé qua rồi xin ngủ nhờ một đêm. Nửa đêm mẹ tôi nghe tiếng hai người thì thầm ngoài hiên liền lén dậy. Dưới ánh trang khuya mờ ảo, hai người đang ngồi cạnh nhau thì thầm to nhỏ. Mẹ tôi máu nóng bừng bừng, xách một chiếc dao ra ngồi cạnh khẽ nói: “Nếu chị muốn ngủ nhờ, mời chị vào ngủ cho, sáng mai dậy sớm còn đi. Còn nếu hai người muốn ngồi thì thầm suốt đêm ở đây thì cho tôi xin một cái tai vậy.” Nghe đến đó, cô bạn của cha vội đứng ngay dậy vào nhà. Cha tôi bảo, hôm đó thực ra hai người lâu ngày gặp lại, thời gian quá ít, sợ nói chuyện to mọi người không ngủ được nên mới ra hiên ngồi tán chuyện xưa nay chứ chẳng có tình ý gì. Nhưng cũng kể từ đó cha không còn dám buông lời trêu ghẹo ai trước mặt mẹ nữa.
Cô bạn gái của tôi cũng từng kể tôi nghe chuyện xảy ra ở trong ngõ nhà cô. Sáng ấy là mồng hai tết, có một chị đã luống tuổi đang giật tóc đánh túi bụi vào một cô gái trẻ. Bà ta vừa đánh vừa nói: “Chị vốn chẳng thích đánh ghen thế này. Bởi vì bồ bịch chồng chị nhiều lắm. Chẳng ai ăn rồi đi đánh ghen suốt ngày được. Biết vì sao chị đánh em không? Bởi vì em là người duy nhất đã “cặp” chồng chị lại còn dám láo với chị…”. Chứng kiến những cuộc ẩu đả vì ghen, không biết diễn tả cảm xúc thế nào. Đòn ghen, không chỉ đau về thể xác, mà còn hết sức tủi nhục, ê chề. Đó là những người bị đánh nhưng không hề được thương xót.
Thật không thể có một đáp án chung về việc giữ chồng bằng cách nào cho đúng. Có người đánh ghen thì giữ được chồng, có người thì mất chồng luôn từ đó. Đánh ghen để rồi được gì? Làm người khác đau đớn, thậm chí cướp đi tính mạng của người khác, còn mình thì vào tù. Giả dụ đánh ghen cho chồng và nhân ngãi sợ xanh mắt đi rồi thì có giữ được chồng nữa không, có còn yêu thương và tôn trọng nhau được nữa không?
Bạn tôi, thật xui xẻo có một ông chồng lăng nhăng, bạn cũng đã vài lần khẳng định chủ quyền làm vợ bằng việc đi “đánh ghen cho bõ ghét”: Tôi bảo: Chồng mày có tính lăng nhăng thế, thừa biết rồi, chịu được thì ở, không chịu thì chia tay. Làm gì suốt ngày đi đánh ghen thế cho mệt, liên lụy cả con cái. Và bạn bảo tôi: Giả sử cứ ví tình yêu như một món ăn đi, nhà mình vốn đã không dư thừa, mà có kẻ lăm le sang ăn trộm, ăn cướp, nói kìm chế cảm xúc đừng làm to chuyện lên, không phải là điều ai cũng làm được. Vậy nên đàn ông và phụ nữ, nếu muốn yên thân, tốt nhất cơm mình mình ăn, đừng nhòm ngó mâm cơm nhà người khác nữa. Ăn vụng một miếng không thể no được cả đời, có khi còn gặp tai họa. Còn những người sẵn sàng “chịu đấm để ăn xôi”, thì thôi không bàn nữa.
Tôi vẫn nghĩ, đàn ông ấy, cái giống mà đã có tính trăng hoa thì giữ mấy cũng không được. Đánh ghen thực ra chỉ chứng tỏ một điều mình đã thua đối thủ. Một người đàn ông yêu vợ yêu con sẽ biết cách gìn giữ gia đình. Còn không, có làm gì cũng vô ích. Một khi đã không còn yêu nhau nữa, thì làm ầm ĩ to chuyện chỉ càng xé vết thương lòng của mình to ra mà thôi. Vậy nên, khi đã không còn yêu nhau, tốt nhất là chia tay khi vẫn còn nói được với nhau những lời tử tế.
Ghen tuông như một thứ gia vị của tình yêu cần được nêm nếm đúng cách. Không có thì sẽ nhạt nhẽo vô vị, mà nêm quá tay thì không ai ăn được. Và cuối cùng, cái gì của mình thì mãi là của mình. Cái gì không phải của mình thì cố giữ cũng không được. Tình yêu, chính là như thế.
Theo Dân Trí
0 nhận xét:
Đăng nhận xét