Lớp học của người thầy đặc biệt
Không may mắn khi mắc bệnh thoái hóa cơ từ bé nhưng anh vẫn khát khao hạnh phúc, dựng xây tổ ấm gia đình giống bao người. Như một cái duyên trời định, chị Ngô Thị Hường đã đến với anh, chấp nhận mọi khó khăn, làm vợ một người có tay, chân không làm tròn chức năng.
Người dân thôn Nhân Lý (Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) đặt cho anh biệt danh “thầy giáo viết chữ bằng miệng”. Thấy tôi nhìn hàng chữ treo trên tường các cô học trò nhỏ giới thiệu “chữ thầy Trường viết đấy”. Qủa thực khó tin chữ đó được viết bằng miệng bởi quá đẹp.
Biết ý, anh “biểu diễn” ngay. Nhìn đôi tay khòe dưới bàn giữ yên trang giấy, miệng cố gắng giữ bút, cổ cử động khéo léo giúp anh tạo ra những nét chữ đẹp đẽ, nắn nót.
Tổ ấm hạnh phúc của anh Phùng Văn Trường va chị Ngô Thị Hường. Ảnh: Ngọc Thi
Ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn cũ kỹ, người đàn ông có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, thân hình to cao, điềm đạm kể cho tôi những bất hành của cuộc đời mình. Anh Trường là con cả trong một gia đình thuần nông có 5 anh, chị, em. Sinh ra anh khỏe mạnh như bao đứa trẻ lành lặn. Đến năm 1 tuổi, bố mẹ thấy con vẫn chưa đi được mới phát hiện ra anh phát triển không bình thường.
Cuộc sống nghèo khó, họ không có tiền chữa bệnh cho đứa con thơ tội nghiệp. Khi chưa đầy 2 tuổi, căn bệnh teo cơ đã cướp đi đôi tay, đôi chân khỏe mạnh của anh. Gắng gượng cố bám con chữ nhưng chỉ theo học hết lớp 8 thì anh Trường phải nghỉ hẳn với nhiều lý do.
Không thể cầm bút bằng tay, anh tập ngậm bút vào miệng để viết. Tuy khó khăn, nhưng chưa khi nào anh nản chí. Kiên trì tập luyện, sau vài tháng anh đã viết được chữ. "Sau một vài lần tôi rút được kinh nghiệm và làm sao phải giữ cho bút phải chặt, phải chắc, mới lái nó đi được. Tôi mới lấy đầu bút cắm vào răng hàm để cố định, răng cửa kẹp rồi dùng cổ uốn theo các đường nét chữ".
Bao năm nay, anh Trường viết chữ bằng miệng. Ảnh: Ngọc Thi
Lúc đầu ngậm mẩu bút ngắn thấy dễ viết nhưng phải cúi xuống thấp, mắt nhìn lâu vào trang giấy trắng, anh bị hoa mắt. Chuyển sang bút anh dễ điều khiển hơn vì phải dùng ít lực.
Nhớ lại khoảng thời gian đó, anh bảo, bản thân được nghe và xem thầy Ký hỏng hai tay nhưng lại còn được đôi chân lành lặn. Thầy đi đến trường đến lớp học. Thầy khổ luyện viết bằng chân. Tôi thiệt thòi hơn thầy vì chân không lành lặn. Ý nghĩ thầy viết được bằng chân thì mình phải ngậm bút bằng mồm mà viết.
Sau năm tháng khổ luyện, không những viết được chữ, anh Trường còn viết chữ khá đẹp. Anh bắt đầu kèm cho các cháu trong nhà luyện chữ. Dần dà trẻ con hàng xóm kéo đến xin học khá đông.
6 năm qua, lớp học của người đàn ông khuyết tật, sinh năm 1979 vào buổi chiều vang tiếng đánh vần, cộng trừ nhân chia của các em nhỏ. Cứ sau buổi học chính khóa, các em nhỏ lại chạy đến nhà người thầy đặc biệt để theo con chữ. Phụ huynh nơi đây luôn mong muốn con cái ngoài học toán, học viết thì còn học được nghị lực của anh.
Hạnh phúc không ngờ tới
Biết thân, biết phận mình không khỏe mạnh nên ước mơ về một gia đình trọn vẹn là điều xa xỉ. Bà con cô bác nhiều lần khuyên nên lập gia đình, anh bảo: “Cháu như thế này đã khổ bố mẹ, các em lắm rồi. Không muốn ai phải khổ nữa, cháu ở vậy thôi”.
Anh kể: “Khi tôi 23 tuổi, lúc bạn bè bắt đầu lập gia đình thì mình cảm nhận rõ sự thiệt thòi. Biết ước nguyện của anh, anh chị em trong họ mai mối, tìm người đủ đức để yêu thương cậu em tội nghiệp. Nhưng, nhìn hoàn cảnh của anh không ai dám tiến đến xa hơn tình bạn.
Như một cái duyên, chị đã đến bên anh, xóa đi những mặc cảm ấy và cùng anh dựng xây hạnh phúc gia đình. Ngày ấy, chị làm công nhân lò gạch bên bờ sông Bùi. Tính tình chị hiền hậu, lại thật thà, chăm chỉ làm lụng, nên cũng có nhiều đám hỏi cưới nhưng chị không ưng.
Nghe những người làm cùng kể nhiều câu chuyện về nghị lực của anh, chị đã rất cảm phục, yêu mến. Lại thêm người thân mai mối, cô gái lỡ thì hơn anh 5 tuổi đã đem lòng thương thầm.
Người thầy đặc biệt dạy chữ cho trẻ em trong làng. Ảnh: Ngọc Thi
Không đi lại được bằng đôi chân nên dù rất muốn nhưng không tài nào anh gặp được chị. Anh Trường chỉ vẻn vẹn biết chị tên Hường. Anh gửi một lá thư dài hơn 3 trang giấy được anh nắn nót viết bằng miệng để bày tỏ lòng mình. Trong thư anh cũng mời chị đến nhà chơi. Anh kể cho chị nghe tình hình bệnh tật của anh và chia sẻ với chị những điều anh trăn trở, người phụ nữ lấy anh làm chồng sẽ phải chấp nhận khó khăn.
Trong thư anh viết: “Cuộc đời tôi rất khổ, có chân, có tay nhưng không sử dụng được, em có chấp nhận được không? Lấy vợ, lấy chồng ai cũng mong muốn có con có cái, nhưng trời có thể sẽ không cho tôi. Không phải ai nên vợ, nên chồng là sẽ sống đến đầu bạc răng long, mà tôi lại tật bệnh thế này, gia đình chỉ có thể bền vững khi vợ tôi trước nhất là phải thương tôi, thương tôi mà trọng tôi, chứ không phải là thương hại".
Nhận được thư của anh, chị Hường hiểu phần nào về chàng trai tội nghiệp, lời nói từ tim, gan khiến chị thương anh nhiều hơn. Lần đầu gặp gỡ, chị Hường và mấy người bạn đến nhà. Anh Trường nhớ như in ánh mắt cô gái nhìn mình. Đó là ánh mắt rưng rưng, chứa đựng sự thương cảm.
Ban đầu, khi biết chị đem lòng yêu và muốn tính chuyện trăm năm với anh Trường, gia đình chị phản đối kịch liệt. Mặc dù khó khăn trong việc đi lại nhưng người nhà thuê xe bảo anh đến nhà nói chuyện với bố mẹ chị, mong họ tát thành.
Thương yêu, sợ con gái khổ nhưng rồi bố chị đã mủi lòng. Nói chuyện với chàng trai trước mặt ông thấy thương hơn bao giờ hết. Đồng thời, ông cũng tin sự lựa chọn của con gái bởi ông nhìn thấy sự thánh thiện trong con người anh.
Chữ của anh Trường. Ảnh: Ngọc Thi
Cuối năm 2012, đám cưới của họ diễn ra. Tình cảm của họ hàng dành cho đôi uyên ương không thể diễn tả bằng lời. Chú rể bảnh bao trong âu phục chỉnh tề, cô dâu đằm thắm trong tà áo dài truyền thống. Có điều, mang trong mình nỗi mặc cảm nên chú rể đến đón dâu không dám nhìn ngang dọc bởi sợ bắt gặp ánh mắt không came thông. Ngày đó, người anh trong họ bế anh vào nhà.
Anh nghe được lời cô bác trong đám hỷ nói với nhau: “Mặt mũi khôi khô, trong hiền lành mà bị thế này tội quá”. Với anh, nghe được những câu này là sự an ủi lớn.
Anh Trường không thể quên được giây phút nghẹn ngào hạnh phúc trong ngày cưới. “Khi anh trai bế tôi vào làm lễ ở họ nhà gái, có vài người lén lau nước mắt. Có người đến nắm tay, chúc vợ chồng tôi hạnh phúc. Lúc đó, tôi chỉ biết cảm ơn cuộc đời đã cho tôi quá nhiều đặc ân”.
Anh Phùng Văn Trường viết chữ bằng miệng một cách thành thạo. Video: Ngọc Thi
Không lâu sau, anh chị có tin vui, bé Phùng Thiên Trường Quảng ra đời, gia đình nhỏ lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói tiếng cười. Nhìn con trai đầu lòng khỏe mạnh, lành lặn, anh như được tiếp thêm sức lực để chiến đấu với căn bệnh teo cơ quái ác. Với anh chị, giờ đây, bé Trường Quảng là niềm hi vọng, là mầm sống để cả hai gửi gắm những ước mơ, hoài bão của cuộc đời
Chung sống với nhau đến nay đã 4 năm, anh chị thi thoảng cũng có những lúc cơm không lành canh chẳng ngọt nhưng mỗi người luôn nhắc mình nhịn một tý. Anh vẫn thầm cảm ơn chị đã thương yêu, lo lắng và cho anh một gia đình hạnh phúc đúng nghĩa.
Ngọc Thi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét