Lâu nay, ở Ngõ Trạm – một con phố nhỏ thuộc phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội), có một người đàn bà ngày ngày ngồi bên gánh hàng nhỏ với vài thứ đồ ăn vặt. Giờ, bà đã ở tuổi “gần đất xa trời” và nhiều người không khỏi thắc mắc: “Vì sao một bà già như vậy lại phải nhọc nhằn bán hàng bên bếp than giữa những trưa hè nắng cháy?”.
Giữa cái nóng 38 độ của Thủ đô, chúng tôi có mặt tại đầu phố Ngõ Trạm. Một cụ già đang lúi húi quạt bếp than củi để nướng nem cho khách. Gánh hàng nhỏ gồm cá chỉ vàng, cá bò, nem chua và vài chiếc bát, đĩa cũ. Đó là bà Nguyễn Thị Sáu, trú tại 44 – phố Hà Trung (quê gốc ở Gia Lộc, Hải Dương).
Mất hết con trai, "con dâu có cũng như không"
Năm nay, bà Sáu 88 tuổi, dáng người nhỏ thó nhưng bán hàng lại rất nhanh tay. Từ lâu, nhiều người đã trở thành khách quen với gánh hàng của người đàn bà này.
Dù nắng nóng đến mấy, người đàn bà này cũng không nghỉ bán hàng.
Khách đến ăn vẫn thường được nghe bà tâm sự. Những câu chuyện ngắt quãng vì bận bán hàng, vì giọng nói khó nghe nhưng mọi người đều có thể hiểu đó là những mẩu chuyện buồn trong cuộc đời của người đàn bà “gần đất xa trời” này.
Sinh năm 1928, năm 24 tuổi, qua mai mối - bà kết hôn với một người đàn ông cùng làng rồi hai vợ chồng lên Thủ đô mưu sinh. Ông bán hàng ở tiệm giày, còn bà thì chạy chọt trong chợ Đồng Xuân, cuộc sống cũng tạm ổn so với nhiều người.
Rồi bà sinh được 5 người con (2 trai, 3 gái). Tưởng chừng thế là hạnh phúc nhưng không ngờ những tai họa lại ập đến khi bà bước sang tuổi “xế chiều”.
Trò chuyện với chúng tôi, bà không ngừng nhắc: “Năm 1984, thằng út 21 tuổi bị bệnh thần kinh - khi ấy đang là nhân viên ở một nhà máy dệt, năm 32 tuổi thì nó bỏ đi mất tích. Con nào cũng là con nhưng những đứa lớn đã có gia đình đủ cả, còn lại mình nó nên bao nhiêu thương yêu dồn lại với nó, thế mà con lại đi mất”.
Từ đó, bà hoảng hốt đi tìm con khắp các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa… Có lần, bà đi bộ từ Hà Nội về Hải Dương chỉ với hy vọng có thể tìm thấy con.
Người mẹ hơn 20 năm đi tìm con, kể cả khi không còn nhớ nổi mặt con trai mình.
Nhiều người khuyên can, bảo bà đừng mất công làm gì nhưng bà luôn “bảo thủ”, cho đến khi sức yếu thực sự thì mới chịu từ bỏ. “Hai mấy năm trời đi tìm con, đến nỗi không còn nhớ được mặt con nữa, chỉ hy vọng có thể tìm thấy con ở đâu đó với dấu hiệu nhận dạng duy nhất: 4 đầu ngón tay có nhiều vết loang trắng (do bị bỏng). Nếu nó còn thì giờ đã 53, không biết là đang ở đâu nữa! - bà ngậm ngùi.
Con trai út mất tích chưa được bao lâu thì con trai thứ hai của bà lại không may qua đời chỉ vì: “Con dâu bỏ đi 1 tuần không về, con trai buồn bã uống rượu say rồi ngã trong nhà tắm, tôi và đứa cháu kéo ra thì người ta bảo…nó chết rồi!”.
Sau đó, người con dâu lại nhẫn tâm… bỏ mẹ chồng, bỏ cả hai đứa con nhỏ (thi thoảng về thăm). Thành ra, một lúc chóng vánh, bà mất cả hai người con trai, còn một người con dâu thì lại “có cũng như không!”.
Năm 1994, bà Sáu gánh nỗi đau mất chồng vì căn bệnh tràn dịch màng phổi. Bà ngậm ngùi nuôi nấng hai cháu trai, nhưng cũng không được yên phận: “Không có bố mẹ nên con cái thiệt thòi! Các bác, dì nói chúng nó cũng không nghe. Thằng cả lớn lên, trộm ô tô đi cá độ bóng đá nên phải đi tù 6 năm; còn cháu thứ hai ngoan hơn, học cao đẳng nấu ăn và bây giờ có vợ rồi”.
Nỗi nhớ con theo từng chiếc nem lụi…
3 cô con gái đều lập gia đình, vẫn thường xuyên phụ giúp nhưng vẫn không thể nào vơi bớt nỗi đau mất con của người mẹ già. Hiện, bà Sáu sống cùng vợ chồng cháu trai (22 tuổi) trong ngôi nhà độ 15m2 ở phố Hà Trung. Vì nhà quá hẹp nên sau khi em trai cưới vợ, người anh trai (đã ra tù) phải chuyển ra ngoài sống.
Mặc kệ nóng bức, bà vẫn hì hụi bên bếp than, tỉ mẩn nướng rồi quạt liền tay cho nem chín thật ngon. Bụi than quần quanh thân thể gầy guộc. Mấy chục năm nay, bà đều như vậy. "Nóng thì cũng chịu được hết! Nếu như còn con thì tôi chẳng bán hàng thế này đâu, nhưng đã thế rồi thì mình ra đây ngồi, được nói chuyện với người này người nọ thì còn khuây khỏa, chứ ở nhà lại nghĩ đến con...!” – bà trải lòng.
Một khách hàng nói: “Vẫn hay ra ăn với bà, khách quen rồi, bà thảo lắm. Nhưng cho cái gì thì bà không lấy đâu! Trời nóng thế này mà bà lại phải nướng nem, cá… Bảo bà lấy thêm tiền công mà bán 5000 đồng/1 nem thì bà không nghe, cứ bảo “4.000 thôi, có ăn thì mua!”.
Bà cũng chẳng nhận không của ai bao giờ, kể cả con hay cháu. Không nhận tiền của con gái cho, không muốn con rể phải mang cơm cho khi đến bữa, cũng không ăn cơm cùng vợ chồng cháu trai vì…“không muốn phiền hà, tôi còn làm được thì đỡ con, cháu. Nó có mời tôi cũng không ăn! Bữa ăn 10 nghìn đồng thôi, mua ít cơm hàng là được - tự làm tự ăn, đỡ phiền chúng nó”.
Giống như bản tính của người đàn bà đã cả đời bươn chải ở đất Hà Thành, bà từ chối mọi sự ban ơn. Nhiều lần, có người thương cảm nên biếu bà chút ít hoặc không lấy tiền thừa, bà đều trả lại. Vì với bà, bán hàng là để cho khuây, để tự nuôi mình đúng nghĩa khi còn có thể nên chẳng có lý gì phải xin xỏ từ người khác.
Những giọt mồ hôi, đôi khi là nước mắt vẫn lặng thầm rơi trên gò má hom hem của người mẹ già...
Một người hàng xóm của bà chia sẻ: “Từ ngày mất con, bà ấy buồn bã nên ra bán hàng, ít cũng được hai chục năm rồi. Các con gái khuyên can nhưng bà ấy không nghe đâu, vì ra ngoài đấy mới được khuây khỏa!”.
“Của cháu là mấy cái nhỉ?” – vì những cuộc trò chuyện và không đủ minh mẫn, người đàn bà nhiều tuổi không thể nhớ rằng người ta đã ăn bao nhiêu, chủ yếu nhờ vào sự tin tưởng đối với khách hàng mà tính tiền.
Cứ đều đều, bà bán từ 12h – 19h mỗi ngày. Thành thói quen, khách hàng đến đều được bà “nhờ” bóc sẵn nem, gắp sẵn cá ra để đợi nướng. Rồi thi thoảng lại nghe bà nhắc về “con trai út”, “con dâu”, “cháu trai”… - những nỗi buồn đã tuột về quá khứ nhưng chưa bao giờ quên được…
Nông Thuyết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét