Chiều 20/6, trong bến xe Gia Lâm (Hà Nội), giữa đông đúc các “ông xe ôm”, thân hình béo mập của bà ngả bóng dưới trời nắng gắt. Bà là Nguyễn Thị Vân, 51 tuổi, trú tại phường Phượng Thanh (Long Biên).
Tuổi thơ lang thang
Trao đổi với chúng tôi, bà cho biết mình sinh năm 1965 ở Hà Nội, bố mẹ đều là công nhân. Năm bà lên tám thì mẹ qua đời, một năm sau thì người bố đi bước nữa.
Tuổi thơ của bà như những thước phim đau khổ, vì sớm mồ côi mẹ, còn "dì ghẻ" thì đúng là “mấy đời bánh đúc có xương…”.
“Lúc đó, bố đi làm xa, hai em trai thì một 5 tuổi, một đứa 28 tháng. Ban đầu, dì cũng thương nhưng sau bà ấy có con thì khác. Ở nhà bán nước với bà ấy thì ngày nào về cũng phải nộp lại tiền nhưng vẫn bị đánh đập và hành hạ dã man không thể tả nổi!", bà tâm sự.
Có hôm, bà đi học rồi ngất trên đường vì quá đói, may mắn có người nhìn thấy và cho bánh mì ăn tạm. Những người hàng xóm biết chuyện cũng chỉ có thể xót thương cho những đứa trẻ mồ côi mẹ.
Bà Vân, 51 tuổi, đang làm nghề chạy xe ôm tại bến xe Gia Lâm. Ảnh: Nông Thuyết
Vì thế, bà bỏ học, bỏ nhà và dắt hai đứa em đi lang thang. Từ đó, người ta thường thấy một bé dắt díu theo hai đứa em nhỏ đi bán nước, quần áo rách rưới, đêm về thì đắp bao tải ngủ trên nhà ga, không về nhà, không tắm, không giặt! “Nhà ở gần ga nên bán nước thì cũng có khách, mọi người biết chuyện nên cũng thương xót và cho chúng tôi ngủ ở trên ga” – bà xúc động.
Tính ra, mấy chị em bà lang thang bên ngoài cũng ngót chục năm, cho đến khi công ty Kiến trúc Đường sắt nọ có quyết định thu nhận con em cán bộ vào làm tại nhà máy.
Những “kiếp chồng buồn"
Năm 1985, bà được nhận vào làm công nhân. Một năm sau, bà kết duyên với một người đàn ông nhưng không phải vì tình yêu mà chủ yếu là… để có nhà cho mấy chị em ở với nhau (theo quy định của công ty, nếu bà lập gia đình thì sẽ được cấp nhà). Song song với việc công nhân ở nhà máy, bà tranh thủ bán xôi ở ga tàu khi đêm về.
Hai vợ chồng sống với nhau được 7 năm, đùng một cái (năm 1993) – chồng bà qua đời do cảm sau khi uống rượu, bỏ lại hai đứa con (con gái 6 tuổi, con trai 3 tuổi).
Hai năm sau, bà nghỉ việc ở nhà máy rồi chuyển sang chạy chọt lên Lạng Sơn buôn hàng về bán. Hôm nào không có người trông hộ thì “4h sáng ôm con đi, 10h đêm mới về, nhiều khi người ta thấy mình con nhỏ nên cũng thương và hay cho này, biếu nọ”.
Vốn thiếu thốn tình cảm từ bé, trước sự vụt tắt chóng vánh của cuộc hôn nhân đầu tiên và những bươn chải của cảnh góa phụ, nhiều lúc bà tủi thân mà chỉ đành ngậm nước mắt...
Người đàn bà 51 tuổi vẫn ngày ngày chạy xe ôm kiếm tiền nuôi con. Ảnh: Nông Thuyết
Đến năm 1998, ở Lạng Sơn, bà gặp và đến với một người đàn ông người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đó là mối quan hệ không hôn thú vì hai người chỉ thầm chấp thuận với nhau, còn bản thân bà – vẫn là mong mình có một chỗ dựa và giúp mình nuôi con. Dù vậy, bà vẫn sinh cho người đàn ông này một người con trai.
Nhưng, theo lời bà, quãng thời gian chung sống đó lại là “một bản trường ca khổ sở”. Bà không thể ngờ đó là một người nghiện rượu thậm tệ và thậm chí còn vũ phu đối với những đứa con riêng của vợ. “Mình đi làm, ở nhà thì ông ấy đánh đấm con mình, nhất là thằng Long (con trai riêng). Hàng xóm bảo “mày cứ thế thì ở nhà nó giết chết con” - bà trải lòng.
Trong một lần cãi vã, người chồng bỏ nhà ra đi nhưng xác định phải thương lấy con nên bà cũng không còn đủ kiên nhẫn để níu giữ.
“Sư tử” của bến Gia Lâm
Một mình “đánh vật” với 3 mặt con, bỏ việc đi buôn, bà trải qua thêm nhiều nghề. Rửa bát thuê, tạp vụ… rồi lại quay về với việc bán nước nhưng vẫn không thể đủ nuôi sống bốn miệng ăn.
Hai đứa con đầu đều phải bỏ học từ bé. Đến con trai út, đó là những năm tháng học hành trong sự tủi nhục. Có lần, cô giáo mắng nhiếc: “Nuôi được thì nuôi, không nuôi được thì cho ở nhà”, nhục nhã! Tức quá, bà đành…tháo cửa sắt mới làm ra để bán lấy tiền đóng học cho con vì "không còn biết xoay vào đâu nữa".
Một lần, bà tình cờ thấy nhiều người chạy xe ôm rồi "máu luôn". Khi đó, bà thậm chí chưa hề biết đi xe máy.
“Lúc đầu, mấy ông "trùm” ở đó không cho vào, vì họ bảo đã đủ người. Mình cũng “cùn” bảo “tao còn 3 đứa con nữa, ai muốn làm gì tao thì cứ làm, vì tao còn thích chết hơn là sống!”, rồi họ cũng không dám làm gì và mình cứ để xe ở ngoài rồi vào bắt khách”.
Tự nhận là "sư tử" ở bến Gia Lâm, nhưng bà luôn lấy giá rẻ đôi với những người nghèo, ốm hoặc sinh viên. Ảnh: Nông Thuyết
Vay đủ tiền, bà vào được bến xe nhưng cũng quá nhiều nỗi cùng cực. “Hàng trăm xe ôm, nghiện có, tù đày có, có người xô đẩy không cho mình làm, ngã tím chân mấy ngày không đi nổi. Có lúc mời được khách rồi nhưng ra lấy xe thì có đứa vợt mất, chán! Lúc đó đã tính bỏ nhưng về nhà thì các con lại động viên”.
Từ đó, bà “máu chiến”. Ngày xưa không hung dữ đâu nhưng làm ở đó thì mình cũng phải gan! Có thằng nó bóp cổ, nhấc hẳn mình khỏi mặt đất, mình đánh lại nhưng nó vẫn khỏe hơn… Dần dần thành “sư tử”, không ai dám bắt nạt nữa, nếu không thì sao mà sống nổi ở bến xe"– bà cười.
Hiện, ở bến xe này có độ 200 tay lái và nỗi ê chề chỉ bà mới có thể hiểu. "Đồng nghiệp" hạnh họe đã đành, lại thêm những vị khách xấu tính thường lợi dụng để sàm sỡ, trong khi bà gần 50 tuổi chứ xinh đẹp gì cho cam!
Nước mắt buồn của người mẹ
Cách đây 3 năm, chuyện buồn lại xảy ra vì cô con gái lớn (Ánh) rơi vào tuyệt vọng khi bỗng dưng bị chồng sắp cưới bỏ rơi.
"Họ dẫn người lớn sang nói chuyện rồi nhưng không hiểu sao lại bỏ. Có thể do nhà mình nghèo quá”. Ánh vào Nam để học nghề và quên chuyện buồn nhưng không chịu nổi nỗi nhớ mẹ nên quyết định quay về. Không ngờ, khi về đến Khánh Hòa, chị mất lý trí khi nhớ về người yêu, thất thần bỏ xe khách mà chạy vào rừng rồi bị ngất. Biết tin, bà đôn đáo vay tiền và vào đón con về trong thương xót.
Bà luôn cảm thấy có lỗi, vì buôn bán nên phải để các con (khi còn bé) chịu cảnh bẩn thỉu, không được tắm rửa sạch sẽ rồi bị nhiều hàng xóm xua đuổi.
Đó còn là tủi hổ của người mẹ ngày 30 Tết vẫn phải “bám mặt ngoài đường” chạy xe rồi đêm về mới tranh thủ gói bánh cho con. Những cái Tết chỉ có 4 mẹ con, muộn màng và chóng vánh.
Bà hỉ hả đùa vui khi con sốt ruột giục về nhà khi trời đã tối: “Mẹ chưa về được, đang chạy. Mà đừng hỏi khi nào mẹ về, có khi mẹ “đi” luôn, con phải ra đón mẹ về cũng chưa biết được!”. Có lần, bà còn chở khách về tận... Yên Bái.
“Vân xe ôm” – “sư tử” đáng gờm mà nhiều đấng mày râu ở bến xe Gia Lâm phải nể, dù cho bà là “dân máu mặt” thực thụ, nhưng suy cho cùng cũng chỉ là một người đàn bà, một người mẹ khẽ giấu đi những mềm yếu, vì con!
Nông Thuyết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét