Thâm cung bí sử (88 - 1): Một quãng đời nhạt thếch

Tôi sinh vào ngày 29/8 (Âm lịch). Câu thơ của Nguyễn Bính: “Con gái sinh ngày Nguyệt tận/Đời con rồi khổ đấy, con ơi!”. Đương nhiên là tôi khổ rồi. Mẹ mất sớm, sau tôi còn có cậu em trai. Mới tí tuổi, tôi đã phải lo chợ búa cơm nước thay mẹ. Bố tôi gà trống nuôi con, nhưng ông chưa già. Điều hai chị em tôi sợ nhất là bố cưới mẹ kế. Cứ có một người phụ nữ đến chơi nhà là tim tôi đập thình thình vì lo sợ. “Cha chết ăn cơm với cá. Chết mẹ bẻ lá đứng đường”, người xưa đã nói như vậy.

Nhưng 1 năm, 2 năm rồi 5 năm sau ngày mẹ mất, bố tôi vẫn không cưới ai cả. Làng tôi có hai người đàn ông tuổi trung niên bị đứt gánh nửa đường, đó là bố tôi và bác Hanh. Bác Hanh làm nghề thợ xây. Còn bố tôi là cán bộ hành chính ở Phòng Nông nghiệp huyện. Hai người chưa già mồ côi vợ, các buổi chiều thường ngồi uống rượu với nhau. Rượu quê không đắt lắm. Món nhắm cũng không đắt lắm.

Quê tôi ở ngoại thành. Sau giờ học tôi ra đồng bắt mấy con cua mang về nhốt trong vại sành, sẵn sàng làm mồi nhắm rượu cho bố và bác Hanh. Cua rửa sạch, bóc mai, bóc yếm, rang với vài lát khế chua và muối biển, thế là nhắm rượu được rồi. Bác Hanh nói với bố tôi: “Con bé nhà ông vừa được người, vừa được nết. Mai sau nó về làm dâu nhà ai thì nhà ấy có phúc lớn”. Bố tôi nói: “Sau này tôi gả nó cho thằng Kỳ nhà ông đấy. Nhưng phải để nó học hành đến nơi đến chốn đã. Nhà tôi dặn rằng, dù khó khăn mấy cũng phải cho các con được học hành tử tế”. Năm đó tôi đang học lớp 12. Tôi rất mê truyện Kiều, có thể đọc thuộc lòng cả 3.254 câu Kiều không sai một chữ nào. Đó là lý do tôi thi vào Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm. Và tôi thi đỗ.

Trong lớp của tôi hầu như sinh viên nào cũng say mê văn chương. Trong các cuộc vui ở lớp, tôi hay lẩy Kiều và cảnh huống nào tôi cũng có thể lẩy Kiều được. Nhờ thế mà tôi gặp được bạn tri âm. Anh là Hoàng Trung Tú, sinh viên Khoa Văn năm thứ ba. Tú có thể đọc ngược truyện Kiều, nghĩa là đọc từ câu 3.254 lên câu thứ nhất. Đọc như thế khó lắm, phải là người rất thuộc Kiều và rất thông minh mới đọc được. Thế là nàng Kiều đã đưa tôi đến với Hoàng Trung Tú.

Chúng tôi luôn bên nhau như hình với bóng. Buổi tối chúng tôi thường hẹn hò nhau ở đâu đó, nói biết bao nhiêu chuyện mà vẫn không hết. Một đêm trăng, tôi và Tú ngồi trên ghế đá dưới gốc cây xà cừ trong sân trường. Vẳng nghe đâu đó tiếng con chim quyên lảnh lót. Tôi thì thầm: “Dưới trăng quyên đã gọi hè. Vậy là chúng ta sắp phải xa nhau một kỳ nghỉ hè rồi”. Tú cởi chiếc đồng hồ của anh đeo vào tay tôi và nói: “Của tin gọi một chút này làm ghi”. Chúng tôi ôm hôn nhau rất lâu, cứ như đó là nụ hôn cuối cùng vậy.

(Còn nữa)

Khánh Hoàng/Báo Gia đình & Xã hội

Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét