Ông giáo già “lọt” qua nhiều tai họa sau lần “chết đi sống lại”

Vợ chồng thầy giáo Nghị với cuộc sống thường ngày. Ảnh: Đ.T

Vợ chồng thầy giáo Nghị với cuộc sống thường ngày. Ảnh: Đ.T

Sống lại trước giờ nhập quan

Đã từ lâu, chúng tôi được người dân thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang kể câu chuyện về thầy giáo Hà Văn Nghị (69 tuổi) “chết đi sống lại”. Để tìm hiểu rõ thực hư về câu chuyện này, PV Báo GĐ&XH đã tìm về thôn Ngọc Hòa để gặp người thầy giáo này vào một ngày cuối tháng 5.

Trong căn nhà cấp 4 ngăn nắp, gọn gàng và không có gì đáng giá ngoài những tấm bằng khen, giấy khen vì sự nghiệp giáo dục, thầy Nghị tươi cười cho biết: “Cả gia tài của tôi làm giáo dục 40 năm đó, mà cũng may cho tôi. Nếu như ngày đó chỉ chậm chút nữa thì tôi đâu còn hiện hữu trên cõi đời này và có được những thành tích như vậy”.

Nhớ lại câu chuyện “chết hụt” của mình hơn 60 năm về trước, thầy Nghị cười nói: Hôm đó, nếu ông cụ thân sinh ra tôi không mời thầy cúng về làm lễ nhập quan thì tôi được chôn rồi.

Thầy Nghị kể: “Khi lên 5 tuổi, sau nhiều ngày bị căn bệnh lạ hành hạ, được xác định là “không qua khỏi”. Do nhà nghèo nên trong nhà tôi chỉ có chiếc chõng tre để uống nước. Tôi lúc đó đã được gia đình cho nằm trên chõng tre đặt ở giữa nhà, để làm các thủ tục nhập quan. Hai ngón tay cái, hai ngón chân cái được lấy dây buộc cẩn thận và cho mặc áo liệm. Ngoài sân mấy ông thợ mộc đang đóng áo quan. Cụ thân sinh ra tôi trước kia cũng là thầy cúng. Tuy nhiên, khi làm lễ cho chính con đẻ thì ông cụ lại không dám và nhất quyết nhờ một ông thầy giỏi hơn ở làng bên về để làm lễ trước khi nhập quan”.

Trước khi vào làm lễ, thầy cúng có yêu cầu gia đình chuẩn bị xôi và thịt gà. Bố ông Nghị đích thân chọn con gà trống to nhất để cúng con. Ở làng ông cụ vẫn có tiếng là chu toàn về lễ nghi, nhưng không hiểu sao hôm đó con gà cụ làm lại còn sót một chiếc móng ở ngón thứ ba, chân trái. Khi thầy cúng làm lễ xong có cầm chiếc chân gà lên và nói: Thằng bé này không chết được vì trên chân gà có điềm báo. Gia đình ông Nghị có hỏi lại thì thầy cúng bảo: Chân gà này còn một chiếc móng chưa làm và có nhiều điểm khác biệt. Cho nên tôi cam đoan đứa bé này không thể chết.

“Khi nghe ông thầy cúng nói vậy, gia đình ai cũng hoang mang, vì rõ ràng tôi đã ngưng thở, chỉ chờ thầy cúng xong là cho vào quan tài. Lúc này, mọi người trong gia đình không ai tin lời thầy cúng cả. Ở ngoài sân thợ mộc vẫn xẻ gỗ đóng áo quan, còn trong nhà thì ai cũng lo lắng. Một lát sau các ngón tay của tôi cử động, thấy vậy ai cũng sợ. Có người sợ quá kêu lên, có người thì chạy khỏi nhà. Có người lại bảo, do gia đình quên không nhốt mèo để nó chạy qua, nên tôi mới vậy. Tuy nhiên, khi mọi người hết sợ mới dám động vào tôi, nới lỏng chiếc áo liệm cho dễ thở và dần dần tôi tỉnh lại, khỏe mạnh như chưa có chuyện gì.

Lúc đó tôi còn bé có nhớ gì đâu, sau khi lớn lên được bố mẹ kể lại câu chuyện. Nghe xong, tôi không tin, nhưng ngẫm lại và hỏi mọi người thì thấy đúng. Tôi chỉ băn khoăn một điều, khi tôi đã ngừng thở, thời gian để tôi nằm trên chõng tre cũng lâu và hai tay, hai chân đã được buộc lại cẩn thận, thế mà tôi lại sống lại. Lạ thật, đến giờ tôi vẫn chưa giải thích được vì sao”, thầy Nghị cho biết thêm.

Những pha thoát chết thần kỳ

Bế đứa cháu nội vào lòng, bà Thêu, vợ thầy giáo Nghị chia sẻ: “Tôi và ông Nghị là người cùng xóm và cưới nhau năm 1969. Nhà ông ấy đông anh em lại nghèo. Năm ông ấy học lớp 5, do cuộc sống khốn khó, gia đình chồng tôi lên Hà Giang xây dựng kinh tế mới. Nhưng khi gia đình đi đến khu chợ Vé, thuộc xã Đồng Tâm (cùng huyện Ninh Giang, cách nhà khoảng 2km) ông ấy trốn ở lại. Do không tìm thấy con đâu và không muốn nhỡ chuyến xe, hai cụ đành đi trước”.

Sau khi trốn được bố mẹ ở lại làng, ông Nghị về ở với cô ruột. Đi học nửa ngày, còn nửa ngày ở nhà đánh dậm, mò cua bắt ốc. Năm 1966, ông Nghị đi học lớp sơ cấp sư phạm 1 ở huyện Thanh Hà. Học xong, ông được phân công về huyện Kim Thành công tác. Đến năm 1971 thầy Nghị xin về giảng dạy tại Trường Tiểu học Đông Xuyên, huyện Ninh Giang.

Nhớ lại lần chết hụt khi còn bé, thầy Nghị cười: “Năm nay gần 70 tuổi rồi, nhưng tôi luôn thấy cuộc đời của mình quá may mắn, tôi như có người nâng đỡ. Nâng đỡ ở đây là về sinh mạng chứ không phải đường công danh. Vì sau lần chết hụt đó, tôi thấy mình gặp nhiều tai họa nhưng vẫn không việc gì”. Để chứng minh cho lời nói của mình là đúng, cả hai vợ chồng thầy kể cho chúng tôi nhiều câu chuyện mà tưởng chừng sau mỗi lần gặp họa như vậy, thầy đã không thể còn sống.

“Cách đây 15 năm, khi đang đứng trên bục giảng tự nhiên tôi gục xuống trước lớp do bị tràn dịch phổi. Lúc này mọi người không cho tôi cử động, bắt nằm yên một chỗ và khuyên tôi đi bệnh viện. Tôi không nghe, về đến nhà, tôi đi chăn bò, khi đang mang bò đi trả tôi lại bị ngất. Tuy nhiên, chỗ tôi ngất đúng ngay cổng nhà ông bác sĩ trong làng và được ông ấy đưa vào cấp cứu. Sau khi uống thuốc, tôi khỏi cho đến bây giờ bệnh không tái phát”, thầy Nghị nhớ lại.

Nhìn chồng kể chuyện xưa, bà Thêu chỉ cười và tiếp lời: “Tôi cũng thấy rất lạ, sau lần ông “chết hụt” ấy, tôi để ý nhiều lần nhà tôi gặp tai họa nhưng đều qua. Ví dụ năm 2008, ông Nghị rửa chân rồi bị ngã ở cầu ao, máu trên đầu chảy ra nhiều lắm. Nhưng ông ấy một tay bịt vết thương rồi đi xe đạp ra trạm y tế nhờ băng bó. Hôm đó, bác sĩ ở trạm y tế nói là ông ấy gặp may, khi đã kịp ấn vết thương lại, nếu không thì sẽ mất máu và tử vong”. Còn lần gần đây nhất là thầy Nghị trèo cây vải lấy quả và bị ngã. Tuy nhiên, đã có tuổi và bị ngã ở độ cao từ 2 -2,5m mà thầy Nghị vẫn không hề hấn gì.

Trở về với cuộc sống đời thường sau khi nghỉ công tác năm 2006, thầy Nghị ở nhà trông cháu và vui thú với cảnh quê. Nhiều lúc ngồi nhớ lại câu chuyện mà dân làng đồn thổi việc “chết đi sống lại”, ông luôn cảm thấy rất vui vì đó là kỷ niệm khó quên.

Đức Tùy/Báo Gia đình & Xã hội

Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét