Nguyễn Phương Anh, một bà mẹ Việt sống tại thành phố Isesaki (Nhật Bản) được mọi người biết đến với những bài viết về thai giáo, chăm con và có gần 200.000 người "theo dõi" trên mạng xã hội. Gần đây, cô đã khiến nhiều bà mẹ phải "ghen tị" và thốt lên rằng: "Giá như mình cũng được như thế" khi chia sẻ câu chuyện về hành trình "tay không đi đẻ" ở một bệnh viện tư ở Nhật.
Bà mẹ hai con vô cùng gợi cảm khi mang bầu lần 2.
Phương Anh sống tại Nhật từ nhỏ và đây là lần thứ hai cô sinh con. Vì có tiền sử bị tiền sản giật nên trong lần này, cô được bác sĩ chỉ định phải sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con. Cô nhập viện một ngày trước khi sinh mổ và đã có những trải nghiệm tuyệt vời. Cô bảo, ở Nhật, dù là bệnh viện tư hay bệnh viện nhà nước thì sản phụ cũng đều được chăm sóc nhẹ nhàng, tử tế chứ không bao giờ có chuyện bệnh viện tư thì tử tế, bệnh viện công thì không. "Y tá, bác sĩ bên này nhẹ nhàng, ân cần làm mình yên tâm lắm", đây là điều tuyệt vời đầu tiên mà bà mẹ hai con nhận được.
Hành trang đi đẻ ở Nhật của Phương Anh không phải tay xách nách mang, lỉnh kỉnh nào làn, nào phích nước, cặp lồng... mà đơn giản chỉ là "vác cái bụng đến là được" vì sau khi làm thủ tục chờ sinh, sản phụ sẽ nhận được một túi đồ to đùng gồm tất cả đồ dùng cá nhân (băng vệ sinh đủ size, quần áo lót, tất, bàn chải, kem đánh răng, dầu gội, miếng thấm sữa...) từ bệnh viện. Theo Phương Anh, đi đẻ ở Nhật cứ như không và "mẹ nào điệu thì mang theo đồ dưỡng da, đồ make up".
Phòng ở sau sinh tại bệnh viện đẹp như khách sạn 5 sao.
Lần sinh con thứ hai này, Phương Anh chọn bệnh viện tư, thuê phòng đặc biệt và đẻ mổ nữa nên tổng chi phí là 7.000 USD (khoảng 140 triệu đồng). Tuy nhiên, những công dân Nhật như cô được nhà nước trợ cấp 4.000 USD nên phải trả thêm 3.000 USD nữa. Nếu đẻ thường và ở phòng bình thường thì chi phí trả thêm chỉ khoảng 1.000 USD, mọi quyền lợi đều như nhau. Ngược lại, những sản phụ chọn sinh ở bệnh viện công thì số tiền trợ cấp đủ để trả hết hoàn toàn mọi chi phí, thậm chí còn dư để đem về.
Phòng trước và sau khi sinh của Phương Anh tại bệnh viện đầy đủ tiện nghi (tivi, tủ lạnh, máy sấy tóc...) không khác gì so với các phòng khách sạn. Bệnh viện cũng sẽ cung cấp tất cả đồ dùng cho em bé như quần áo, bình sữa, sữa, bỉm, khăn lau... Nói chung là sản phụ và người nhà được phục vụ từ A tới Z và rất thoải mái. "Người nhà đến trông nom cũng chỉ là đi... nghỉ dưỡng cùng bà đẻ thôi". Mẹ của Phương Anh thậm chí còn nấu cả một nồi bún gà đem vào bệnh viện để tiếp khách tới thăm.
Một bữa ăn của bà đẻ đầy đủ nhóm chất và không cần kiêng khem.
Sau sinh, sản phụ được phục vụ 5 bữa ăn một ngày, gồm 3 bữa chính và 2 bữa xế (xế chiều và xế đêm). Khẩu phần ăn cho từng bữa luôn đầy ắp nên hầu như bữa nào Phương Anh cũng phải "bỏ mứa" một nửa dù đồ ăn vô cùng hấp dẫn với đủ nhóm thực phẩm rau, đạm, tinh bột và tráng miệng. Đặc biệt, Phương Anh được bác sĩ hướng dẫn không phải kiêng khem gì cả. Các món hải sản, thậm chí là sushi đều có trong thực đơn của bà đẻ và 2 ngày sau đẻ mổ, cô đã được tắm gội.
Hai lần sinh con tại Nhật, Phương Anh đều cảm thấy vô cùng hài lòng, đặc biệt là cách các bác sĩ, y tá chăm sóc sản phụ tận tình, chu đáo. Nhờ đó, sản phụ cũng có tâm lý tốt khi "vượt cạn" cũng như không ảnh hưởng đến việc chăm sóc con nhỏ sau này. Riêng với Phương Anh, dù mới chỉ sinh con vài ngày nhưng cô đã nhanh chóng lấy lại được vẻ đẹp gợi cảm và tinh thần vui vẻ, trẻ trung.
Theo Song Giang/Ngôi sao
0 nhận xét:
Đăng nhận xét