Bà Hoa hàng ngày bón cơm cho cô em chồng tật nguyền, ngô nghê ăn. Ảnh: T.G
Xót thương người em chồng tật nguyền
Hình ảnh người đàn bà khắc khổ Lại Thị Hoa (SN 1962) chăm chút cho cô em chồng tật nguyền từng miếng ăn, giấc ngủ nhiều năm nay khiến bà con ở thôn Triệu Xá rất cảm phục. 30 năm qua, bao khổ cực trong gia đình chồng nghèo khó, với cô em chồng tật nguyền, ngô nghê bà Hoa đã nếm trải. Gần đây bà Hoa còn phải chăm sóc cả người chồng bị tai nạn mất hết sức lao động. Với những người dân của thôn Triệu Xá này bà Hoa luôn là tấm gương vợ hiền, chị dâu đảm.
Ông Nguyễn Văn Chỉnh, ở thôn Triệu Xá chia sẻ, cả thôn biết về hoàn cảnh đáng thương của bà Đỗ Thị Vân (em chồng bà Hoa), bởi số phận trớ trêu đã lấy đi tất cả những gì là tốt đẹp của một con người. Bà Vân từ khi sinh ra hai chân, hai bàn tay cứng ngắc, còng khoèo, khiến bà không thể cử động được như mọi người.
Sau khi sinh được 8 tháng, bà Vân lại bị cảm nặng. Ngày ấy chả dễ gì đến được trạm y tế vì chiến tranh thiếu thốn đủ bề. Di chứng của trận cảm để lại cho bà Vân là mắc thêm căn bệnh động kinh. Tới nay, nếu không có thuốc cho bà Vân uống thường xuyên là căn bệnh động kinh lại tái phát. Đã quá nửa đời người, nhưng ngay cả việc sinh hoạt hàng ngày của bà Vân đều do người chị dâu chăm sóc.
Rồi bố mẹ bà vì quá nghèo khổ, cơ cực chạy vạy nuôi nấng các con mà lao lực, lần lượt mất sớm từ khi hai anh em bà Vân còn rất nhỏ. Họ hàng, chòm xóm cũng rất nghèo nên chẳng giúp đỡ được gì. Bà Vân sống lay lắt, vô thức trong căn nhà cấp bốn ẩm thấp. Có hôm gia đình đi làm cả, bà Vân lên cơn động kinh lại chạy ra đường làng hú hét điên dại… Những đêm trở trời, trong góc căn nhà nhỏ bà Vân bị những cơn đau bệnh tật hành hạ luôn gào thét.
May mắn là trong vô vàn bất hạnh, bà Vân vẫn còn người anh trai làm chỗ dựa, đó là ông Đỗ Văn Huyền (SN 1962). Từ bé, người anh trai đã gần như thay mặt cha mẹ nuôi nấng đứa em tàn tật tội nghiệp. Ông Huyền biết bệnh tật của em gái không bao giờ bình phục và lo rằng đến một ngày ông không còn trên cõi đời này nữa thì ai sẽ lo cho người em gái ngây dại tội nghiệp này.
Điểm tựa cho hai anh em yếu ớt, tàn tật
Ông Lại Quang Long, Bí thư Chi bộ thôn Triệu Xá cho biết, khi trưởng thành ông Huyền gặp và kết hôn với bà Lại Thị Hoa ở cùng xóm. Ngày chị Hoa quyết định kết hôn với ông Huyền, gia đình ai cũng không đồng ý bởi ông Huyền quá nghèo, lại thêm cô em gái tàn tật. Nhưng bà Hoa vẫn quyết tâm lấy ông Huyền, tình nguyện cùng chồng chia sẻ gánh nặng chăm sóc cô em chồng tật nguyền.
Ở vùng quê nghèo khó này, hai vợ chồng không được học nghề gì, nên chỉ biết bán sức lao động nuôi gia đình và nuôi em. Rồi ông bà cũng sinh con đẻ cái, miệng ăn tăng lên, thu nhập chỉ trông vào hai vợ chồng ông Huyền đi làm thuê với hoa màu thu hoạch của 1,5 sào ruộng. Hoàn cảnh gia đình vì thế không khá lên được.
Bao nhiêu ngày bà Hoa về làm dâu, thì bấy nhiêu ngày bà là điểm tựa cho cô em chồng. Và giờ đây bà còn là điểm tựa cả sức khỏe, tinh thần cho người chồng yếu ớt, tàn phế đôi chân. Từ ngày bà về làm vợ ông Huyền, cô em gái tật nguyền nhờ bàn tay chăm sóc của chị dâu nên cũng được ăn uống tử tế hơn.
Ông Huyền yêu thương và cảm phục cái tình của vợ vô cùng, bao nhiêu năm làm vợ là bấy nhiều năm bà nếm trải nghèo khổ, khốn khó mà không hề kêu ca, oán thán với ai một lời. Bà Hoa bảo với ông rằng, hai vợ chồng đã thấm thía cái đói nghèo, đi lên từ gia cảnh khốn khó, nên phải tằn tiện chắt chiu xây cái nhà cấp 4, nuôi con cái ăn học. Cái nhà xây xong, các con đã học hết lớp 12 rồi đi làm, nhưng cái nghèo khổ khốn khó vẫn bám riết họ ở vùng quê trũng “chiêm khô mùa héo” bởi các con cũng chỉ đi làm thuê, bán sức lao động, không có nổi việc làm, nói gì tới của để dành cứu đói lúc giáp hạt.
Năm 2012 tai họa lớn lại đổ ập xuống khi một lần đi làm phụ hồ, ông Huyền bị tai nạn tường đổ đè vào người. Sau khi được bệnh viện chữa trị, gia sản đội nón ra đi hết, còn ông trở về và nằm liệt giường, mất khả năng lao động. Từ một người đàn ông sung sức, khỏe mạnh, là lao động chính trong nhà, giờ ông Huyền chỉ có thể loanh quanh ngồi nhà trông cháu cho con trai và con dâu bỏ xứ làm ăn rất xa. Còn cô con gái cũng lấy chồng xa, cứ ráo mồ hôi là đói, nên chả giúp được gì cho bố mẹ. Mọi việc lớn nhỏ và chăm sóc, nuôi dưỡng hai người tàn tật ở nhà đều đổ tất lên đầu người đàn bà gần 60 tuổi là bà Hoa.
Vừa bón cơm cho cô em chồng, bà Hoa vừa tâm sự, nhà đã nghèo nay lại càng thêm cơ cực sau khi ông ấy bị tường đổ đè vào người. Rồi bà nghẹn ngào cho hay, mấy năm trước bệnh viện đã mổ cho một lần, hẹn sức khỏe hồi phục thì sẽ quay lại mổ tiếp để chữa bệnh. Nhưng ông ấy cứ khất lần mãi, bởi cả nhà rau cháo qua ngày cũng không đủ ăn, thì làm sao có nổi tiền để đi mổ.
Lẽ ra ở tuổi gần 60 bà được thảnh thơi với con cháu, thì giờ một ngày của bà vẫn phải làm đủ việc từ nấu cơm, vệ sinh cá nhân cho em chồng, rồi chồng, đi chợ, nấu ăn rồi đút từng hạt cơm, muỗng cháo cho em chồng ăn… Những hôm cô em chồng bị động kinh hành hạ, bà lại phải đội mưa mua thuốc, hoặc đội nắng tìm về khi em chồng lên cơn bỏ đi. Gần 30 năm lấy chồng, bà Hoa chưa một ngày thảnh thơi, luôn bận rộn một mình chăm sóc cho cô em chồng từ miếng ăn, giấc ngủ đến cả mọi sinh hoạt cá nhân và luôn chỉ có một mình xoay xở nhưng bà vẫn không bao giờ bỏ cô em chồng bị đói, bẩn.
Ngước đôi mắt mệt mỏi bà Hoa nói với các vị khách lạ rằng, cuộc sống của cô em chồng và vợ chồng bà đang gặp vô vàn khó khăn. Những ngày nắng nóng đỉnh điểm thế này bệnh của cô em chồng càng trầm trọng. Bà rất mong được các nhà hảo tâm giúp đỡ để cô em chồng có tiền mua thuốc uống giảm bệnh. Bà giờ cũng lo nỗi lo của chồng, rồi mai đây khi vợ chồng bà ra đi, không biết ai sẽ cưu mang, chăm sóc cuộc sống khốn khổ của bà Vân nữa. Tình cảm của người chị dâu dành cho người em chồng tật nguyền bất hạnh thật đáng quý.
Bà Vân là người tàn tật trong thôn, tuy ở với anh trai nhưng gia cảnh họ đang rất khó khăn nghèo khổ. Nhà nước mỗi tháng cũng hỗ trợ bà Vân hơn 300.000đồng, theo tiêu chuẩn của người tàn tật. Anh trai bị tai nạn mất sức lao động, nhưng bà Vân vẫn được chị dâu chăm sóc nuôi dưỡng tử tế.
Gia đình họ bị đền bù giải tỏa ruộng mấy năm nay, không có việc làm nên càng thêm khốn khổ. Xã đã cho họ nhận thầu mấy sào ruộng, bà Hoa bỏ công sức làm đến vụ thu hoạch xã sẽ trả chút công sức. Số thu nhập đó cũng bấp bênh vì nhà nông cũng không có nhiều việc, và cũng chỉ làm thời vụ.
Chỉ tiêu hộ nghèo của tỉnh chỉ cho phép hỗ trợ hơn 3% số người nghèo/năm. Với mức thu nhập từ 600.000đồng, gia đình bà Hoa được xếp vào hộ nghèo, nhưng vì cô em chồng được hỗ trợ là người tàn tật hơn 300.000 đồng/tháng, cộng với thu nhập thầu ruộng của bà Hoa nên gia đình bà không được xếp vào hộ nghèo.
Lãnh đạo xã cũng rất quan tâm tới trường hợp này, nhưng chế độ của Nhà nước thì có hạn. Rất mong các tổ chức và các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ trường hợp gia cảnh thảm thương này.
Ông Lại Quang Long (Bí thư Chi bộ thôn Triệu Xá)
Hà Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét