Biết nghiện vẫn cưới
Sau nhiều cuộc hẹn bất thành, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được anh Nam Quốc Trung, sinh năm 1976, và chị Nguyễn Thi Vân, sinh năm 1979, tại căn nhà riêng trên phố Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội).
Không ngần ngại kể về quá khứ, anh Nam Quốc Trung nói về những năm tháng chìm trong bóng tối của mình. Sinh ra trong gia đình có điều kiện nên anh Trung được cưng chiều. Bố mẹ không hà khắc tiền nong, anh lao vào các cuộc vui. Anh không ý thức được rõ việc một lần thử hít ma túy một lần lại tai hại như thế.
Biết con nghiện, bố mẹ anh hết sức đau lòng. Theo lời khuyên của gia đình, anh cũng đi cai. Sau đợt cai thứ nhất, ai cũng nghĩ anh anh đã bỏ được hoàn toàn ma túy. Cai nghiện xong anh tiếp tục đi học, anh chuyển từ trường Đại học Tổng hợp sang trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, học về chuyên ngành máy tính.
Tại đây, anh gặp chị Vân.Trong lần đầu gặp mặt, cả hai không có ấn tượng gì với nhau. Sau nhiều cuộc đi chơi cùng nhóm, ngồi với nhau anh Trung kể về quá khứ của cuộc đời mình. Lúc đó, trong sâu thẳm nhiều người, nghiện ma túy là một sự xấu xa. Nhưng, anh Trung lại thẳng thắn, dám kể về quá khứ không tốt đẹp đó.
Cũng chính sự thẳng thắn của anh đã chiếm được cảm tình của chị Vân. “Thường thì những người bị nghiện họ sẽ giấu mọi người. Còn anh ấy thì dám nói lên quá khứ tối tăm của mình. Lúc đó, tôi rất khâm phục sự thẳng thắn đó”, chị Vân nhớ lại.
Gia đình anh Trung, chị Vân (ảnh nhân vật cung cấp).
Rồi chị thầm thương trộm nhớ anh nhưng anh Trung thì không có tình cảm với chị, có chăng cũng chỉ là tình cảm bạn bè. Anh Trung chỉ xa ma túy được vài tháng thì tái nghiện. Biết anh nghiện nhưng tình cảm của chị Vân dành cho anh không hề thay đổi.
Chưa học xong đại học thì họ cưới nhau. Chị Vân đến với anh bằng tình yêu chân thành. Mong muốn lớn nhất của chị là giúp anh cai nghiện, người phục nữ đó yêu đương trong sự mù quáng. Còn anh Trung, cưới vợ với anh lúc đó vì là giải pháp để anh được phân chia tài sản, mong muốn không bị bố mẹ quản thúc, có tiền để thỏa mãn cơn “thác loạn”.
“Hồi đó tôi không yêu cô ấy, tôi tự nhận thấy mình là người lăng nhăng và đểu cáng. Tôi không nghĩ gì đến hai chữ tương lai, tất cả chỉ vì mục đích có tiền thỏa mãn cơn nghiện mà thôi”, anh Trung thành thật cho biết.
Đến với anh Trung, gia đình chị Vân phản đối. Tuy nhiên, bố mẹ không ép con, mọi việc đều do chị quyết định. Năm 2000, đám cưới của họ diễn ra sau ngày anh Trung cắt cơn nghiện. Nhiều người dị nghị cũng có người cảm phục về người con gái dám đánh đổi cả tuổi thanh xuân bên người chồng nghiện ngập.
Trước đó, anh Trung đã nghiện 10 năm, bố mẹ đã bao lần dứa anh đi cai nhiều nơi, từ Hà Nội đến các tỉnh lân cận khi nghe người mách. Từ ngày về làm dâu, chị luôn động viên, giúp đỡ anh cai nghiện nhưng số lần tái nghiện nhiều như cơm bữa. Bản thân chị không nhớ nổi bao lần cùng bố mẹ đưa chồng đi cai.
Không lên cơn nghiện anh Trung lại là người con hiếu thảo, người chồng có trách nhiệm. Anh đã từng cầm xích đưa cho vợ bảo xích mình lại. Nhưng rồi, khi lên cơn anh như biến thành con người hoàn toàn khác. Lúc đó, phần "quỷ" nhiều hơn phần người, không còn cách nào khác, chị nuốt nước mắt đưa tiền cho anh mua thuốc.
Từ nghiện thành tư vấn cai nghiện
Lúc chị mang thai đứa con gái đầu lòng, tích góp được ít tiền anh cũng mang đi mua ma túy hết. Một đêm mưa lạnh tháng 12/2002, xin tiền vợ không được, không xin được tiền vợ, túng quấn anh bế cô con gái nhỏ để nhận tiền chuộc từ gia đình.
Chứng kiến người chồng mình hết mực yêu thương như con thú dữ, đôi lần chị cảm thấy hối hận, cuộc đời chị chìm trong nước mắt kể từ ngày đến với anh. Trong nước mắt đó có thương mình, có tình yêu chân thành với người chồng nghiện. Nhưng giây phút ân hận nhanh chóng qua đi, hơn ai hết chị biết mình nuôi hi vọng anh sẽ thay đổi, rời xa được ma túy.
Cắt cơn nghiện, anh Trung tỉnh ngộ nói thương vợ thương con, không muốn làm khổ người thân. Những lần vợ lên trại thăm, anh đều bắt chị viết đơn li hôn thì mới ra gặp nhưng chị không viết. Thậm chí mắng chửi, lăng mạ y nhưng nhất định chị Vân không viết. Thời gian ở trại, anh đã từng gặp một người bạn, đã từng đi ăn cắp và tiêm chích ma tuý với anh, nhưng lần này anh ấy không rủ anh đi ăn cắp nữa mà động viên, giúp đỡ anh rất nhiều trong công tác tư tưởng.
Những lần thăm nom cùng sự lớn lên của các con đã khiến anh Trung có thêm nghị lực. Tình yêu với người vợ cứ lớn dần lên trong anh, trở thành động lực để anh làm lại cuộc đời. Anh quyết tâm hơn, anh tìm đến sách, đọc để mở mang kiến thức, một phần để quên đi mình nghiện. Ánh mắt của vợ, của con nhìn mình mỗi lần lên anh thăm trại ông khắc cốt ghi tâm, không cho phép anh chùn bước. Và rồi, năm 2007, anh dứt bỏ được hoàn toàn ma túy.
Tình yêu của người vợ đã giúp anh hoàn lương (ảnh nhân vật cung cấp).
Sau khi tận hưởng niềm vui cuộc sống đầy hạnh phúc, điều đầu tiên mà anh Nam Quốc Trung nghĩ đến đó là giúp đỡ những người khác cai nghiện, để họ có thể nhìn thấy tương lai như mình.
Lý giải chuyện giúp đỡ người nghiện, anh Trung, chị Vân cho rằng những người nghiện cũng như những cô gái từng bán dâm, đã quá lâu rồi họ không nhận được tình yêu thương, chăm sóc của gia đình. Họ luôn muốn thoát ra khỏi ma túy, luôn kêu gào trong thâm tâm.
Là người từng trải, anh Trung biết, họ cần người cứu vớt để thoát khỏi đường lạc lối. Và điều vợ chồng anh Trung, chị Vân muốn đó chính là dùng tình cảm cứu thoát họ khỏi sự trói buộc của ma túy. Hiện tại, anh và vợ được biết đến khi lập ra nhiều trung tâm giúp đỡ người nghiện và gái mại dâm tái hòa nhập cộng đồng.
Với anh Trung, chị Vân là món quá quý giá được ban tặng, ngoài tình yêu thì có cả sự biết ơn. “Chúng tôi không giấu các con quá khứ của mình. Trong cuộc sống không tránh khỏi những lỗi lầm,quan trọng chúng ta nhận thức được và sửa chúng. Hiện tại, cuộc sống của chúng tôi rất tốt. Đặc biệt là về tình cảm, tình yêu của tôi dành cho vợ ngoài sức tưởng tượng của tôi, càng ngày tôi càng yêu vợ tôi nhiều hơn”, anh Trung tâm sự.
Ngọc Thi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét