Ảnh minh họa
Dâu dữ mất họ
Giữa hai khu nhà tập thể có một khoảnh đất chừng 30m2, được nhà bà Du, ông Huê (ở Hoàng Mai, Hà Nội) đổ xi măng bằng phẳng, tiện mọi thứ ông bà còn làm luôn mấy cái bệ thay ghế ngồi để tối đến các cụ ra hóng mát, trò chuyện… Bà Du hiếu khách còn hay đun nước chè xanh để chồng tiếp các ông, các bà hàng xóm. Thi thoảng các nhà còn mang quà ra đãi nhau, tình xóm giềng quý hóa lắm.
Nhưng từ khi ông về hưu, rồi con trai duy nhất cưới vợ, chỗ sân đó vắng hẳn. Xóm giềng bảo con dâu ông bà “dữ”, nó gườm gườm, mặt lạnh tanh, còn xách nước đổ cả lên ghế, ra sân, nói gì đến chuyện đun nước chè đãi khách. Có hôm con dâu bà còn chép miệng “thú gì cái chuyện tụ tập, rõ là nhức đầu”.
Chồng là bộ đội, vắng nhà thường xuyên nhưng con dâu bà Du chẳng có ý thức chăm sóc bố mẹ chồng. Sáng ra còn dậy muộn hơn cả bố mẹ chồng, rồi cuống cuồng đi làm. Bữa trưa đã ăn ở công ty, tối về cô cho bố mẹ chồng xơi đủ thứ rau luộc, thịt luộc, trứng luộc, cá cũng… luộc. Bố mẹ chồng góp ý muốn bữa canh riêu cá, chả lá lốt, nộm… thì con dâu bảo không biết làm. Cách cư xử đó của con dâu với bố mẹ chồng, họ hàng và hàng xóm vì thế ngày càng lạnh nhạt. Nhắc nhở thì con dâu nói “con lấy chồng, không phải lấy người nhà chồng” nên bố mẹ chồng cũng đành im lặng cho yên cửa nhà.
Anh Hùng ở quê ra thành phố làm chủ một doanh nghiệp nhỏ. Công việc làm ăn của anh ngày càng khấm khá nên đã đưa cả gia đình ra thành phố sinh sống. Nhưng từ khi ra phố, vợ anh trở nên quá quắt khi nhắn tin, gọi điện mắng mỏ những người phụ nữ gọi điện vào số máy của anh, dù đó là khách làm ăn. Anh giải thích sao chị cũng không hiểu, đôi lần nóng quá anh tát vợ và chị đã quát ngược lại ngay, không khí gia đình trở nên ngột ngạt, hơi tí là chị đòi ly dị.
Bực nhất là anh thuê nhà cho hai em gái con người cậu ở quê lên học gần nhà cho có anh có em. Mùa đông anh bảo hai em sang nhà tắm rửa vì có bình nóng lạnh và giặt máy. Nhưng vợ anh sợ tốn điện, tốn nước cũng tìm mọi cách không cho sang. Tôi bảo các em sang ăn chung cho tiện, chỉ thêm bát, thêm đũa lại vui vẻ, nhưng hôm sau vợ anh gọi điện thẳng cho người cậu, khiến hai đứa không dám sang nữa.
Thậm chí chị còn mắng anh là ngu. Bố mẹ cho thừa kế đất đai thì làm giấy “từ bỏ quyền thừa kế” cho em trai ở quê thờ cúng cha mẹ. Anh cho bạn vay tiền chữa bệnh, chị yêu cầu anh phải bắt bạn viết giấy “khỏi bệnh sẽ trả lại đầy đủ”. Có lẽ vì chị biết anh là người theo đạo Thiên Chúa, không thể nói bỏ vợ là bỏ ngay. Rồi chị còn biết thóp anh là người thương con không muốn con thiếu thốn tình cảm cha mẹ nên nhiều khi anh cũng cố bỏ qua mọi việc.
Mất hết công danh vì trót lấy nhầm vợ
Cuộc sống sau hôn nhân của anh Thành (ở Quận 3, TP Hồ Chí Minh) cũng như địa ngục vì chị vợ suốt ngày chê nhà chồng nghèo. Chị có thai, anh đón mẹ anh ra ở cùng, ai ngờ chị coi mẹ chồng chẳng ra gì, chê bai đủ điều. Có lần chị chê cơm không ngon, đổ bát cơm cho mèo ăn. Chị còn to tiếng với mẹ anh rằng, không có chị giúp đỡ thì làm sao con trai bà có nhà cao cửa rộng. Chị lúc nào cũng kể lể rằng, nhờ có ông bà ngoại mà anh mới được thăng quan, tiến chức. Có lúc chị còn nặng lời với bà, bảo phải giữ mồm, giữ miệng không con bà thành kẻ thất nghiệp. Mẹ anh tuy thương con trai, nhưng không chịu nổi con dâu nên đành phải về quê, từ đó bà và họ hàng không còn hứng đến nhà anh nữa.
Lấy nhầm vợ như đặt dao trước cổ
Theo bà Thúy Hằng (Viện Tâm lý và Giáo dục pháp luật), sự ích kỷ, quá quắt của những cô vợ khi về gia đình chồng bắt đầu từ đâu? Liệu có phải do họ xuất thân nghèo khó nên bủn xỉn, tiết kiệm không? Còn khi nhà chồng coi con dâu như người ở, ô sin, liệu việc này có nảy sinh phản ứng đề phòng không?.
Với gia đình ông Huê, tâm lý của người khi mới về hưu thường bị hụt hẫng nên về nhà cần có các thú vui khác để dần hòa nhập với môi trường mới. Thế nhưng cô con dâu không hiểu được tâm lý nên dẫn đến phản ứng lại những gì ông bà mong muốn. Đó là ông thích bạn bè, cụ bà hiếu khách, còn con dâu đi làm về mệt muốn nghỉ… Hai bên đều có lý do chính đáng, nhưng nếu ai cũng khư khư ôm lấy cái “tôi”, không biết chia sẻ thì sẽ khó tìm được tiếng nói.
Với những cô con dâu hống hách, lạm quyền chồng… có nguyên nhân lớn là chồng không có chính kiến, nhu nhược, bị vợ kiểm soát nên mới không tôn trọng chồng, gia đình chồng. Muốn giải quyết cần phải tìm nguyên nhân sâu xa rồi mới tháo gỡ.
Cuộc hôn nhân muốn lâu bền thì cần sự điều chỉnh từ cả vợ và chồng sao cho phù hợp. Những người chồng hãy nhìn nhận lại xem đã làm đủ trách nhiệm quan tâm tới vợ và gia đình chưa. Một sự nhịn là chín sự lành, im lặng là vàng để tránh cãi vã, xô xát. Nhưng khi các bà vợ lộng quyền, lấn tới quá thì chồng cần là người giữ cân bằng, vì nếu không giải quyết triệt để thì ly hôn sẽ khó tránh khỏi.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc hòa nhập là cả từ hai phía. Con dâu thường hay hiềm khích, khúc mắc với nhà chồng do chưa hiểu bố mẹ chồng, nhưng “nhập gia tùy tục”, cần bỏ dần cái “tôi” ích kỷ, mà theo nếp nhà chồng. Còn gia đình chồng nên bao dung, uốn nắn để con dâu hòa nhập với mọi người. Bố mẹ chồng và nàng dâu hãy cảm thông, nhún nhường, bao dung cho nhau. Người chồng hãy dũng cảm làm cầu nối quan trọng để bố mẹ đẻ và vợ xích lại nhau.
Uyển Hương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét