Để con ở nhà một mình, cha mẹ phải biết điều này

Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ biết cách sử dụng các đồ dùng, đặc biệt cách gọi điện cho cha, mẹ khi có việc khẩn cấp. Ảnh minh họa

Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ biết cách sử dụng các đồ dùng, đặc biệt cách gọi điện cho cha, mẹ khi có việc khẩn cấp. Ảnh minh họa

Tử vong vì ở nhà một mình

Không hiếm tai nạn xảy ra với trẻ khi ở nhà một mình, như rơi từ cửa sổ ban công, bỏng, đứt tay do nghịch dao hay uống nhầm hóa chất... Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) từng tiếp nhận một cháu bé 6 tuổi rơi vào tình trạng hoảng loạn, lưỡi cháy đen và biến dạng sau khi nghịch phích cắm từ máy phát điện năng lượng mặt trời. Tai nạn xảy ra khi bố mẹ vắng nhà, cháu bé ở nhà một mình đã cầm chiếc phích nguồn của thiết bị phát điện cho vào miệng nên bị giật. Nguồn điện 220V đã làm cậu bé bất tỉnh, lưỡi bị hoại tử nặng. Theo mẹ của cháu bé, gia đình biết con hay nghịch nên trước khi ra khỏi nhà đã cẩn thận treo chiếc phích lên nóc tủ cao, không ngờ cháu lấy que khều xuống nghịch.

Gần đây nhất là tai nạn thương tâm của bé trai 6 tuổi rơi từ tầng 11, tòa nhà Rainbow, Linh Đàm (Hà Nội) xuống mái tầng 2 và tử vong. Vào thời điểm xảy ra vụ việc trên, cháu bé ở trong nhà một mình và không có ai trông.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, trước khi trẻ ở nhà một mình, các bậc cha mẹ phải xác định được năng lực của con mình có đủ tự tin, đủ trách nhiệm để ở nhà một mình hay không. Trẻ hiếu động và khả năng tuân thủ quy định không cao thì cha mẹ không nên để trẻ ở nhà một mình mà có thể gửi trẻ, cho bé tham dự các chương trình ngoại khóa hè hay tham gia các câu lạc bộ…

Ông Nguyễn Trọng An đưa ra các nguyên tắc để bố mẹ tham khảo đảm bảo khi trẻ ở nhà một mình an toàn:

- Kiểm tra, xem xét và cất hoặc loại bỏ các nguy cơ mất an toàn cho trẻ: Phích nước nóng, dao, kéo, các loại thuốc uống; khóa cửa ra ban công, đóng cửa sổ; đậy nắp chum vại hoặc đổ hết nước trong các xô chậu trong nhà tắm; Tắt các thiết bị điện không dùng, dán băng dính che ổ điện, ngắt cầu dao bếp, khóa bình gas cẩn thận hoặc khóa cửa phòng bếp…

- Để sẵn điện thoại di động cạnh điện thoại bàn và dán danh sách những số điện thoại quan trọng gồm các số gọi: Cảnh sát 113, chữa cháy 114 và cấp cứu 115 ở ngay đầu danh sách. Tiếp đến số điện thoại bàn, số di động, số cơ quan của những người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè và hàng xóm đáng tin cậy.

- Đưa cho trẻ giữ một chìa khóa cửa chính của nhà.

Ngoài ra, cần dặn dò trẻ phải tuân thủ nguyên tắc: Không được mở cửa sổ và cửa ra vào. Không mở cửa cho bất cứ ai, trừ những người thân trong gia đình. Không tự động vào bếp đun nấu, không đụng đến bếp ga, bếp điện, lò nướng, lò vi sóng. Không trả lời điện thoại bàn hay mở cửa cho ai vào. Không rủ bạn bè vào trong nhà. Không tự ý ra khỏi nhà, nếu có lửa cháy thì mau chóng mở cửa chạy ra khỏi nhà. Gọi cho cha mẹ khi xảy ra bất kỳ sự việc hay sự cố nào hoặc gọi 3 số đầu của danh bạ nếu không gọi được cho cha mẹ.

Trước khi ra khỏi nhà cũng cần thông báo với trẻ rằng, bạn ra ngoài trong khoảng thời gian bao lâu và thực hiện đúng lời nói đó để các con không bị hoang mang, sợ hãi. Trong thời gian vắng nhà, cha mẹ cần thỉnh thoảng gọi điện để nắm tình hình và an ủi trẻ.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trẻ dưới 7 tuổi tốt nhất không nên để chúng ở nhà một mình vào bất kỳ khoảng thời gian nào vì trẻ không có đủ sự trưởng thành và kỹ năng để đối phó với các tình huống khẩn cấp. Trẻ rất dễ tò mò, nghịch ngợm khi cảm thấy nhàm chán vì bị nhốt trong nhà. Cha mẹ nên giao cho trẻ thực hiện một số việc như làm bài tập, viết chính tả, đọc sách. Rảnh rỗi thì xem ti vi, nghe nhạc... Đồng thời, chuẩn bị sẵn một số thức ăn mà con thích như các loại bánh, nước giải khát, trái cây… tuyệt đối không để trẻ tự nấu vì rất nguy hiểm.

Dạy con ở nhà một mình

Để trang bị cho trẻ sẵn sàng có thể ở nhà một mình, theo ông Nguyễn Trọng An, cha mẹ cần hướng dẫn và tập luyện cho trẻ về một số kỹ năng sau:

- Hướng dẫn trẻ biết cách sử dụng các đồ dùng, đặc biệt cách gọi điện cho cha, mẹ khi có việc khẩn cấp hoặc gọi 3 số đầu của danh bạ khi có sự cố. Đặt ra những tình huống khẩn cấp giả định để trẻ luyện cách nói chuyện qua điện thoại.

- Dạy cách ứng xử khi có người đến nhà, khóa cửa cẩn thận, tuyệt đối không mở cửa hoặc tiếp xúc gần với người lạ, dạy con biết cách từ chối khi bị người lạ dụ dỗ hoặc kêu toáng lên cầu cứu sự giúp đỡ khi bị người lạ sờ mó vào người hoặc khi gặp nguy hiểm.

- Nếu nhà xảy ra cháy, phải nhanh chóng mở cửa chính lao ra ngoài và cầu cứu sự giúp đỡ.

- Dạy trẻ cách sử dụng những đồ vật cần dùng khi khẩn cấp: Đèn pin, bông băng cầm máu… để những đồ này ở nơi dễ lấy, phòng khi có việc khẩn cấp như mất điện, bé đứt tay, chảy máu.

Để thực hiện được các kỹ năng, cha mẹ không nên chỉ dạy bằng lý thuyết suông mà phải cùng con thực hành nhiều lần, có thể cùng con giả định tình huống. Trước khi thực sự để bé ở nhà một mình hãy thử làm một vài bài kiểm tra. Bạn có thể để trẻ ở nhà một mình khoảng 30 – 1 tiếng trong khi bạn vẫn ở rất gần bé và hoàn toàn có thể có mặt ngay nếu có vấn đề xảy ra. Khi về hãy hỏi con mọi chuyện diễn ra như thế nào và thảo luận những kỹ năng mà bé cần phải học cho lần sau. Trẻ thấy thoải mái và có thể làm tốt việc ở nhà một mình lúc đó bạn có thể nâng thời gian lên với trẻ dưới 12 tuổi.

Độ tuổi có thể để trẻ ở nhà một mình

- Từ 8 đến 10 tuổi: Không nên để trẻ ở nhà một mình quá 1,5 tiếng đồng hồ.

- Từ 11 đến dưới 13 tuổi: Trẻ có thể ở nhà trong khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ ban ngày.

- Từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi: Yên tâm để con ở nhà một mình nhưng bố mẹ không nên vắng nhà qua đêm.

Phương Thuận

Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét