“Người thứ 3” vốn là cụm từ ám chỉ những người "chen ngang" hôn nhân của người khác. Các bà vợ đặc biệt dị ứng với những vị "khách không mời" này bởi trong gia đình phụ nữ thường yếu thế hơn, lúc nào cũng canh cánh trong lòng nỗi lo mất chồng. Khi phát hiện ra chồng có quan hệ ngoài luồng, rất nhiều người vợ đã chọn cách đánh ghen để cắt đuôi cô gái lạ dám quyến rũ chồng mình.
Xoay quanh chủ đề người thứ 3 , trong bài viết độc quyền dành cho các độc giả của Afamily.vn lần này, "anh Chánh Văn" Hoàng Anh Tú thật lòng khuyên chị em phải biết cách "sống chung", "thoả hiệp" thay vì có những cách cư xử không thích đáng với đối tượng đặc biệt nhạy cảm này. Thật lạ! Tại sao lại là "sống chung"? Tại sao lại phải "thỏa hiệp"? Hãy đọc thật kỹ bài viết dưới đây để hiểu cặn kẽ thông điệp mà nhà văn Hoàng Anh Tú muốn gửi gắm đến chị em phụ nữ.
"Trong hàng trăm trường hợp độc giả xin lời tư vấn từ tôi về chuyện hôn nhân của họ thì người thứ 3 luôn là chủ đề hot nhất. Câu hỏi “người đàn ông dễ sa ngã vào kiểu phụ nữ nào?” luôn là câu hỏi mà nhiều người vợ muốn biết nhất. Để khoanh vùng không bỏ sót, để phòng thủ cho chặt, để “tiêu diệt" ngay từ trong trứng nước. Mà quên rằng, người thứ ba có thể lại chẳng phải là những cô gái bốc lửa ngoài kia. Và đôi khi hôn nhân gãy vỡ cũng từ người thứ 3 như thế, hôn nhân hỏng hóc cũng bởi người vợ đã không có cư xử thích đáng với người thứ 3 này. Và từ đó, những bi kịch ra đời...
Ảnh minh họa
Thấy nhiều nhất là những mẹ chồng. Khoan nói về những người mẹ chồng hà khắc với con dâu. Bởi câu chuyện mẹ chồng con dâu vốn luôn nhiều mùi thuốc súng. Chỉ nói về những người mẹ chồng thầm lặng. Bản thân sự thầm lặng của mẹ chồng ấy đã có sức hấp dẫn đến kinh người với đàn ông - gã đàn ông do mẹ sinh ra. Thứ tình yêu giữa gã đàn ông với mẹ mình luôn là thứ bất khả xâm phạm. Nó gần như cái cách mà mẹ vợ với con gái của mẹ bên nhau vậy. Nhưng nó còn sâu thẳm hơn bởi bản năng của hầu hết đàn ông: Bảo vệ mẹ mình! Nhiều khi đến phi lý trong cách nghĩ của những người vợ. Tôi đã gặp nhiều trường hợp người chồng thay vì về nhà ăn cơm với vợ, lại tạt qua nhà mẹ chỉ để ăn cơm mẹ nấu.
Khi gặp cú sốc hay khủng hoảng tinh thần, nhiều người đàn ông chọn mẹ để trở về. Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên cả khi người đàn ông nọ bỗng muốn ly dị chỉ bởi họ thấy vợ mình đối xử không tốt với mẹ anh ta. Hay chí ít, tình cảm vợ chồng cứ ngày một mòn vẹt đi bởi sự thờ ơ, vô tâm của vợ với mẹ. Ngược lại, nếu người vợ trân trọng và quan tâm đến mẹ chồng , phần đa, điều đó sẽ khiến lòng biết ơn trong người chồng sẽ rất lớn. Tất cả những ai nói rằng cô ta đã dốc lòng yêu mẹ chồng như mẹ đẻ của cô ấy nhưng chồng vẫn bay bướm bên ngoài thì chỉ có thể là anh ta cũng chẳng có tình cảm gì với mẹ anh ta hoặc cái cách mà cô ấy quan tâm đến mẹ chồng chỉ là hình thức biểu diễn mà chẳng có tí thực tâm nào. Tình cảm vốn là thứ cảm nhận chứ không phải xem, nghe, thấy.
Nghĩ về người thứ 3 đôi khi không phải là chỉ có phòng thủ, phòng tránh, phòng trống, phòng bị đâu các mẹ ạ! Mà nhiều khi là để thoả hiệp, để chia sẻ, để sống chung, để cùng nhau với chồng. Chẳng phải làm gì to tát cả, chỉ đơn giản là bằng tình yêu của chính bạn dành cho chồng mình. Yêu mẹ chồng bằng tình yêu của bạn với chồng. Yêu em gái, em trai, anh trai, chị gái, bố chồng bằng lòng thiết tha mà bạn dành cho chồng. Để họ đi cùng hôn nhân của bạn. Là đi cùng hôn nhân của bạn! Hay những “người thứ 3” không có mặt như công việc yêu thích của chồng, đam mê của chồng, những người bạn thân của chồng, lòng tin, tự trọng, danh dự, nhân phẩm... Những “người thứ 3” không thể ghen tuông ấy nhưng luôn đủ sức để làm mòn vẹt đi tình yêu của anh ấy, làm nghiêng đổ trái tim của anh ấy, làm già đi, cũ đi, mất lửa đi tình yêu của anh ấy dành cho bạn.
Yêu mẹ chồng bằng tình yêu của bạn với chồng...
Hẳn đến đây, nhiều người sẽ phản ứng: Tại sao làm vợ lại vất vả để gìn giữ tình yêu, hôn nhân đến vậy? Còn người chồng thì sao? Sao lúc nào cũng chỉ là những người vợ? Vâng! Tại sao luôn chỉ là những người vợ mà không phải là những người chồng? Là bởi vì câu hỏi làm sao để giữ được cuộc hôn nhân này bền vững và luôn hạnh phúc thường là do người vợ đặt ra. Thế nên câu trả lời vốn được thiết kế cho người vợ. Cho những gì người vợ có thể làm được. Thay vì chỉ là những móc máy ra, soi hay phán xét những tệ hại từ người chồng. Sao không bắt đầu từ chính ta - người đặt ra câu hỏi ấy? Hãy bắt đầu từ chính mình chứ không phải trông đợi sự thay đổi của người khác. Phải vậy không khi ta vẫn nói: Đời thay đổi khi ta thay đổi??? Hôn nhân là gì nếu không phải là trưởng thành cùng nhau???".
Theo Tri thức trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét