Ca sĩ Khánh Linh.
Ca sĩ Khánh Linh: Sẽ vào đó sống nếu thực sự tốt
Việc bỏ tiền đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão để hưởng một dịch vụ, có điều kiện chăm sóc sức khỏe, hàng tháng vẫn đến thăm nom đang là lựa chọn của nhiều người con bận việc, thường phải công tác xa, không đủ điều kiện ở bên chăm sóc cha mẹ. Tôi cho đó là điều bình thường, có thể chấp nhận được của cuộc sống hiện đại và xã hội cần nghĩ thoáng hơn về vấn đề này.
Người già luôn kèm theo những vấn đề như bệnh tật, trí nhớ và những phức tạp khác của tâm lý do tuổi tác. Để cha mẹ ở nhà một mình, chẳng may xảy ra chuyện gì thì hối hận không kịp. Nếu đến trung tâm, viện dưỡng lão, họ sẽ được giao lưu, có người trò chuyện, được sinh hoạt văn hóa, khám chữa bệnh. Rồi có sự cố gì về sức khỏe còn có người kịp thời biết để xử lý.
Việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão hay không, theo tôi nên theo nguyện vọng của các cụ. Khi các cụ vui vẻ đồng ý, việc tiếp theo là con cái phải lựa chọn được viện dưỡng lão có điều kiện tốt nhất, phù hợp với kinh tế gia đình và mong muốn của cha mẹ.
Còn nhớ, có lần tôi tham gia chương trình từ thiện ở một viện dưỡng lão, chứng kiến các cụ ở đó đều đã cao tuổi và mắc rất nhiều loại bệnh, trong khi đó, cơ sở vật chất thì thiếu thốn, ăn uống cũng không được đầy đủ, thực sự lúc đó tôi rất xót xa, thương các cụ.
Tôi nghĩ, nếu mai mốt có viện dưỡng lão đủ tiêu chuẩn tốt, bản thân tôi khi ấy cũng sẽ vào đó sống. Lứa tuổi nào giao lưu, bầu bạn với lứa tuổi đó hay hơn và mình cũng đỡ phiền đến con cháu.
Ca sĩ Ngọc Anh: Nên là giải pháp cuối cùng
Văn hóa người Việt đã có từ ngàn đời nay, thờ mẹ kính cha, ngay cả ông bà tổ tiên cũng thờ cúng hàng ngày hoặc ít nhất cũng được chăm sóc cẩn thận vào những ngày lễ, Tết... Do vậy dễ hiểu khi nhiều người quan niệm, đưa cha mẹ mình vào viện dưỡng lão là một điều ngược lại với lối sống tốt đẹp của người Việt.
Cá nhân tôi cho rằng, thời nào cũng vậy, con cái phải có trách nhiệm chăm sóc, báo hiếu bố mẹ. Việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão nên là giải pháp cuối cùng, khi hoàn cảnh bắt buộc không thể làm khác.
Điều quan trọng là, trước khi con cháu muốn gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão, cần cân nhắc và hỏi ý kiến các cụ. Bởi lẽ, dù được chăm sóc ân cần đến đâu thì chắc chắn người già cũng không cảm thấy ấm áp như ở nhà với con cháu, nhất là khi điều kiện trong viện dưỡng lão của Việt Nam hiện nay còn chưa thật tốt.
Tôi nghĩ nên có điều lệ quy định bắt buộc thân nhân phải thường xuyên ghé thăm các cụ, sinh hoạt tập thể với các cụ ít nhất cũng một lần một tuần. Hoặc như mỗi tháng nhất định phải có một ngày đưa các cụ về nhà sinh hoạt chung với gia đình con cháu. Có như vậy, viện dưỡng lão mới trở thành chỗ sinh hoạt an nhàn và vui vẻ cho các cụ và con cháu cũng làm tròn đạo hiếu thuận của mình.
Đạo diễn Vương Đức: Nên theo tâm nguyện của các cụ
Đạo diễn Vương Đức.
Tôi từng học ở Nga nhiều năm và tôi cũng đã đi nhiều nước trên thế giới. Có một điểm dễ nhận thấy, ở các nước có nền kinh tế phát triển thì viện dưỡng lão thực sự là những nơi chốn cần thiết, phù hợp với người già.
Ở đó, người già được sống trong những căn phòng riêng tươm tất, đầy đủ tiện nghi cơ bản như giường nệm, bàn ghế, ti vi, tủ lạnh và có không gian sinh hoạt chung như phòng khách, nhà ăn, phòng giải trí…
Hàng ngày, họ tham gia rất nhiều hoạt động như tập thể dục, đi bộ, dự lễ cầu nguyện, chơi trò chơi, vẽ tranh, đọc sách báo. Họ có bầu bạn, cùng chia sẻ và được chăm sóc y tế tốt nhất. Sống ở viện dưỡng lão, người già thấy thoải mái, vui vẻ và hạnh phúc.
Với người phương Tây, nuôi con là nghĩa vụ của cha mẹ nhưng ngay từ nhỏ, đứa trẻ đã được coi là cá nhân riêng biệt, cần được tôn trọng. Khi con 18 tuổi, chúng đã có quyền ra ở riêng, trách nhiệm của cha mẹ với con cái cũng từ đó giảm dần. Rất hiếm gia đình có bố mẹ ở cùng với con cái khi chúng lập gia đình. Xu hướng người già đi vào viện dưỡng lão thay vì ở với con cái rất phổ biến.
Còn ở Việt Nam, do quan niệm truyền thống “trẻ cậy cha, già cậy con” nên việc đưa những người già vào viện dưỡng lão bị coi là khá xa lạ, thậm chí có người còn cho rằng đó là nhẫn tâm.
Cá nhân tôi cho rằng, khi phán xét việc đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão có là bất hiếu hay thoái thác trách nhiệm hay không thì còn phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình.
Nếu như con cái không có điều kiện chăm sóc bố mẹ như: Phải đi làm xa, quá bận rộn, không thể nghỉ việc để chăm nom bố mẹ bệnh, sức khỏe không cho phép… thì việc gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão rồi tới thăm nom thường xuyên là điều cần thông cảm và cần phải có cái nhìn thiện chí. Ngược lại, nếu con cái ép cha mẹ vào viện dưỡng lão để rũ bỏ trách nhiệm thì đó là người con bất hiếu và đáng lên án. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của các cụ và tạo ra tấm gương xấu cho các thế hệ tiếp theo.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có không ít cụ ông, cụ bà có suy nghĩ thông thoáng, cởi mở, họ đã chủ động yêu cầu con cái đưa mình vào viện dưỡng lão với tâm lý tự nguyện, vui vẻ, thoải mái, bởi bản thân họ cũng không muốn con cái quá bận bịu.
Phương Thuận – Thu Hồng
Cũng có những người già sau khi vào viện dưỡng lão một thời gian thì một số vấn đề tâm lý được cải thiện một cách rõ rệt. Vì họ được sống trong một môi trường phù hợp với tuổi tác và tâm lý của họ (có điều kiện sinh hoạt, giao lưu, trò chuyện, bầu bạn với những người bạn già cùng lứa tuổi) mà ở gia đình họ dù có đủ điều kiện vật chất vẫn không thể giúp họ cải thiện.
Dĩ nhiên, việc cha mẹ ở trại dưỡng lão có được sống trong những tình cảm ấm áp hay không đòi hỏi nhân viên tại đó ngoài những kiến thức, kỹ năng nhất định, phải có sự quan tâm chu đáo, bầu bạn tâm tình, yêu thương chia sẻ, coi các cụ như cha, mẹ mình thì các cụ mới vơi bớt nỗi cô đơn, nhớ con cháu. “Theo tôi, việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão nên phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của từng gia đình cũng như tâm nguyện của các cụ”, đạo diễn Vương Đức chia sẻ.
Phương Thuận - Thu Hồng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét