Dùng kéo cắt lớp băng dính dán ngoài vỏ hộp bưu phẩm vừa được chuyển đến, bà Thanh thở dài: “Đây với kia sao nó phải làm cái trò này. Nó định không bao giờ về cái nhà này, không muốn gặp con nó nữa hay sao”. Nói rồi, bà lôi trong chiếc hộp giấy ra vài bộ quần áo, ít đồ chơi dành cho trẻ con và một ít bánh kẹo.
Đây là lần thứ hai gia đình bà nhận được bưu phẩm kiểu này. Lần trước là giáp Tết năm ngoái, bên trong cũng có đồ chơi, quần áo và một hộp sữa bột. Ngoài tên, địa chỉ người gửi và người nhận, tuyệt nhiên, không hề có thư hay nhắn nhủ gì khác. Lần này cũng tương tự, vẫn hai cái tên ấy, những cái tên giờ vẫn in ngay ngắn trong tờ giấy đăng ký kết hôn, có dấu đỏ của chính quyền địa phương...
Người gửi, không ai khác, chính là con dâu đã cưới hỏi được 6 năm của gia đình bà. Thế nhưng, đã hai cái Tết nay, cô ấy không về…
Cất gói bưu phẩm vào tủ, bà Thanh nhớ lại khoảng thời gian trước, cũng đúng lúc thời tiết sắp chuyển sang thu như bây giờ, cậu con trai ông bà dẫn bạn gái về ra mắt bố mẹ.
Cô gái kém con trai bà 3 tuổi, đang là sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Qua cách nói chuyện, bà thấy rõ sự sắc sảo nơi cô khi được thừa hưởng truyền thống kinh doanh, buôn bán lâu đời từ gia đình. Lần đầu gặp cô gái, không hiểu sao, trong lòng bà chợt có cảm giác bồn chồn lo lắng về tương lai của thằng con trai mình.
Sau bữa cơm tối, bà kéo thằng con ra sân giếng hỏi nhỏ: “Hai đứa yêu nhau lâu chưa”?
- Được 4 tháng thôi mẹ - cậu con trai vô tư trả lời.
- Nó vẫn còn đang đi học mà - bà sốt ruột nói tiếp.
- Đang học vẫn cưới được mà mẹ, cưới xong về học tiếp, có ảnh hưởng gì đâu.
Đôi mắt trùng xuống, bà tiếp tục: “Đã tìm hiểu kỹ chưa mà quyết định vội thế? Mẹ cứ thấy con bé đó sao sao…”.
“Con thấy có sao đâu. Bọn con yêu nhau là được” - cậu con trai đáp gọn lỏn.
Khi cậu con trai vừa nói dứt lời, bà Thanh gắt lên như không giữ được bình tĩnh: “Mày điên à, cưới xin là chuyện cả đời, phải tìm hiểu cho kỹ, không thể nói cưới là cưới ngay được, có phải đi mua mớ rau, con gà ngoài chợ đâu”.
- Nhưng cô ấy có thai được 2 tháng rồi!
Câu nói của thằng con như gáo nước đá dội vào người bà. Lạnh buốt! Quả thực, bà cũng muốn có cháu bế. Nhưng khi nghe cậu con trai thông báo con dâu tương lai đã có thai, bà lại không hề vui nổi. Không gian như lặng lại, bà không nói thêm câu nào nữa.
Bà hiểu tính thằng con trai bà. Nó là đứa sống biết điều, chịu khó làm việc nhưng bị cái tật là hay hiếu thắng, muốn cái gì là phải làm cho bằng được. Thế nên, việc nó nói, nó muốn lấy vợ là nó sẽ làm, kể cả gia đình ngăn cấm, nó cũng vẫn sẽ làm tới cùng.
Và bà cũng không thể ngăn cấm khi cô gái kia đã mang giọt máu của con trai bà. Lương tâm bà không cho phép làm điều đó.
Điều bà lo lắng là hai đứa còn quá trẻ. Cô gái kia chưa ra trường trong khi con trai bà chỉ có thu nhập ở mức trung bình ở đất Hà Thành, liệu có lo được cho vợ con hay không…
Sau ngày cưới không lâu, con trai bà báo tin, vợ nó bị động thai và đã không giữ được đứa bé. Nén nỗi đau mất cháu, bà khăn gói hành lý lên Hà Nội để chăm con dâu.
Tuy lúc đầu không có nhiều thiện cảm với cô gái này, nhưng bà Thanh vẫn chăm sóc con chu đáo, cẩn thận. Bà bảo, các cụ đã dạy "con gái là con người ta, con dâu mới chính mẹ cha mua về". Bà cũng có con gái, con gái bà cũng sẽ phải đi lấy chồng, bà hi vọng nó sẽ được mẹ chồng yêu thương.
Vì thế, không có lý do gì bà lại không thương yêu con dâu của mình. Thế nhưng, cũng chính trong khoảng thời gian ấy, bà biết thêm nhiều điều về cô con dâu, những điều mà trước kia bà chưa bao giờ nghĩ tới…
- Bà ơi, bà đâu rồi - tiếng đứa cháu nội chợt kéo bà về với hiện tại.
- Ừ, bà đây, đi học về có mệt không con? – bà Thanh kéo đứa cháu vào lòng âu yếm hỏi.
Thằng bé lém lỉnh: “Con không mệt nhưng có gì ăn không bà, con đói quá”.
Bà Thanh đã quen với giọng điệu “làm nũng” của cu cậu nên nhanh chóng lấy đĩa hoa quả để sẵn trong tủ lạnh cho cháu ăn. Ngồi nhìn đứa cháu, bà Thanh không khỏi xót xa: Mới tí tuổi đầu đã phải sống thiếu tình thương của mẹ. Tội nghiệp thằng bé.
Dẫu có hết tình, hết nghĩa với bên nhà nội nhưng đứa con thơ dại có làm gì nên tội. Liệu nó có đáng bị mẹ ruột đối xử tàn nhẫn như thế hay không? Ảnh minh họa
Kem (tên gọi ở nhà của thằng bé) về nhà sống với vợ chồng bà Thanh cách đây 2 năm, đồng nghĩa với việc, đã hai cái Tết, mẹ nó không về thăm nó rồi. Thằng bé giờ đi học lớp mẫu giáo 4 tuổi ở trường làng...
Trước đó, sau khi sảy đứa con đầu tiên, con dâu bà tiếp tục có thai đứa con thứ hai. Đó là bé Kem hiện tại. Thế nhưng, thằng bé chào đời trong hoàn cảnh bố mẹ nó đã có nhiều bất hòa dẫn đến những quyết định bồng bột của tuổi trẻ.
Ban đầu, con trai bà thuê một căn nhà nhỏ ngoại thành Hà Nội, cách nhà ngoại không xa. Tuy nhiên, dường như đã quen với cuộc sống của một tiểu thư, nay phải chịu cảnh sống chật chội trong căn nhà nhỏ, cô vợ bắt đầu bộc lộ thái độ khó chịu và nhiều lần bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Đến khi sinh Kem xong, cô quyết định xách hành lý về nhà ngoại ở hẳn.
Tiếp sau đó, bà Thanh liên tục nhận được những cuộc điện thoại từ phía gia đình thông gia, phàn nàn, trách móc con trai bà vô dụng, không lo được cho cuộc sống của con gái nhà họ, khiến con bé phải chịu vất vả. Rồi bên thông gia cũng "gợi ý" ông bà bán mảnh đất mà Tổ tiên để lại, lấy tiền mua nhà trên Hà Nội cho con trai và con dâu, để chúng được sống đàng hoàng..
Vì không làm theo lời gợi ý của bên thông gia, muốn giữ mảnh đất của Tổ tiên cho con cháu sau này mà nhà ngoại tỏ thái độ "khinh ra mặt" với vợ chồng bà. Cũng kể từ đó, dù chỉ sống cách nhà nội chừng 40 km nhưng tuyệt nhiên, cô con dâu không bao giờ về thăm bố mẹ chồng. Có chăng chỉ là dăm ba câu gọi điện viện lý do nên không thể về được.
Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến. Ngày con trai bà Thanh nhận quyết định điều chuyển công tác về huyện gần nhà, cũng là lúc con dâu bà tuyên bố “đường ai nấy đi”. Khi ấy, Kem chưa đầy 2 tuổi…
Sau khi trả con về cho gia đình nhà nội, quyết định sống ly thân với chồng, cô con dâu hầu như cắt đứt mọi liên lạc với nhà chồng ngoài việc mỗi năm gửi một gói bưu phẩm về cho con. Đã hai năm nay, dù sống chung ở một thành phố, nhưng người mẹ ấy đã không một lần về thăm con!
Mai Hà
0 nhận xét:
Đăng nhận xét