Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Những phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu. Hơn thế, họ còn có ý định tự sát và thậm chí là có người còn giết cả con của mình .
Trên thực tế, cả trên thế giới và Việt Nam đều đã xảy ra rất nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến những người mẹ mắc chứng bệnh này.
Tự tử vì stress và suy nhược
Hồi tháng 8 mới đây, trên mạng xã hội Facebook, một tài khoản có nick name H.P đã chia sẻ lại câu chuyện về bà mẹ trẻ tự chấm dứt cuộc đời mình ở tuổi 30 do mắc chứng trầm cảm sau sinh, khiến cộng đồng mạng đau xót.
Chỉ sau vài ngày đăng tải, câu chuyện cảm động này đã thu hút hơn 25.000 lượt thích và gần 11.000 lượt chia sẻ.
Từ khi lấy chồng, gia đình chị xảy ra một vài biến cố. Sau khi sinh con, chị gần như phải xoay sở một mình vì chồng đi làm xa nhà, bố mẹ đẻ, anh chị em ruột dù ở gần nhưng mỗi người một công việc, một nỗi lo riêng, không thể hằng ngày ở bên chia sẻ.
Những thay đổi đột ngột về tâm sinh lý sau khi sinh con, những biến cố xảy ra trong cuộc sống… đã khiến chị stress, bế tắc, suy nhược và trầm cảm.
Đỉnh điểm là khi gia đình phát hiện ra chị nợ nần một khoản tiền lớn do vay nặng lãi. Không ai đoán ra một bà mẹ ở nhà nội trợ, chăm con dùng số tiền đó vào việc gì, chỉ thấy tủ quần áo của chị chất đầy hàng hiệu: quần áo, giày dép, túi xách… Mọi người trong gia đình thắc mắc, dò hỏi và ngay đêm ấy, bà mẹ trẻ tìm đến cái chết.
Khi thu dọn lại tư trang của chị, gia đình phát hiện ra một điều bất ngờ: tất cả những món đồ hàng hiệu của chị đều chưa qua một lần sử dụng, còn nguyên hộp, nguyên mác. Lúc này, mọi người mới đau đớn nhận ra, đó là biểu hiện của chứng trầm cảm sau sinh, chứng bệnh rất nhiều bà mẹ mắc phải. Nhưng tất cả đã muộn.
Câu chuyện về bà mẹ xấu số, không may mắc phải chứng trầm cảm khiến nhiều người thương xót. Đăng tải những dòng tâm sự đau đớn, H.P muốn nhắn gửi đến mọi người cần tìm hiểu kỹ về chứng bệnh thường gặp và rất nguy hiểm này để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
Không ít bà mẹ gặp phải rắc rối về tâm sinh lý sau sinh. Biểu hiện bên ngoài dù không rõ nét nhưng trên thực tế, nó vẫn ảnh hưởng hưởng lớn đến cuộc sống của người phụ nữ.
Người mẹ hóa điên khi vừa sinh con do mắc bệnh trầm cảm sau sinh
Hình ảnh chị Hằng gầy gò, trầm cảm nặng khi mới nhập viện.Ảnh: BSCC
Gần đây nhất, vào ngày 22/8, chị Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1989, ở Hải Hậu, Nam Định) được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 trong tình trạng gầy gò, xanh xao, mắt trũng sâu, trán dô ra... cân nặng, ngoại hình chỉ như đứa trẻ 6 tuổi khiến nhiều người ái ngại.
Mẹ chị Hòa cho hay con gái có các biểu hiện tiêu cực, lạ lẫm từ khi sinh xong đứa con đầu như hay rón rén khó hiểu, rửa ráy liên tục, lẩm bẩm một mình, không chịu ăn uống. Trong khi đó, chị Hòa vẫn yêu chồng thương con nên gia đình ít để ý.
Đến khi chị Hòa mang bầu đứa bé thứ hai, những biểu hiện này ngày càng nặng dần. Sau khi sinh xong đứa thứ 2, cơ thể chị Hòa suy nhược trầm trọng, từ 57 kg, chỉ còn 24 kg. Lúc này, gia đình mới đưa chị đi viện.
TS.BSCC, Phó giám đốc, Trưởng khoa Cấp tính nữ Tô Thanh Phương, cho hay: “Bệnh nhân Hòa là một ca bệnh điển hình của chứng trầm cảm sau sinh, nhập viện điều trị gần một tháng. Khi vào viện, Hòa trong trạng thái chống đối hoàn toàn, không ăn, không nói, không hợp tác. Chúng tôi phải dùng biện pháp cho ăn qua ống xông, cho thuốc nghiền vào sữa. Sau 2-3 ngày, bệnh nhân mới hợp tác. Hiện tại, bệnh nhân không dùng thuốc, chỉ kích từ. Tình trạng đang tiến triển khả quan”.
Bà mẹ 32 tuổi tự tử vì trầm cảm sau sinh kéo dài suốt 3 năm
Trên thế giới cũng có rất nhiều sự việc bi thảm đã diễn ra liên quan đến chứng trầm cảm sau sinh. Trước đó, vào hồi tháng 2 vừa qua, một bà mẹ người Anh đã tự kết liễu đời mình sau nhiều năm bị trầm cảm nặng.
Chị Polly Ross (32 tuổi, sống tại Driffield, Yorkshire, Anh) đã bị tàu hỏa cán chết khi cố tự tử bằng cách ra đứng giữa đường ray. Nguyên nhân được xác định là do chị Polly đã thường xuyên trong trạng thái trầm cảm sau khi sinh 2 con.
Chị Polly, một nhà ngôn ngữ học với công việc là dịch thuật, đã được xác định mắc chứng trầm cảm sau sinh vào tháng 2 năm ngoái sau khi đứa con thứ 2 của chị ra đời và được đưa tới điều trị tại khoa Chăm sóc sức khỏe tâm trí Westlands.
Được biết, những bất ổn đầu tiên xuất hiện ở chị Polly sau khi chị sinh đứa con đầu lòng năm 2012 và chị được chẩn đoán mắc trầm cảm sau sinh. Sau đó tình hình trở nên tồi tệ hơn và gia đình chị tin rằng Polly đã bị mắc chứng loạn thần sau sinh khi đứa con thứ 2 ra đời năm 2014.
Mặc dù được chăm sóc tại trung tâm nhưng chị Polly vẫn thường xuyên được đi ra ngoài và đây chính là cơ hội để chị thực hiện ý định tự tử của mình. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng người ta đã tìm thấy thi thể của chị tại một đường ray gần Spring Bank West, Hull.
Phụ nữ đừng ép mình phải là một người mẹ hoàn hảo
Trầm cảm sau sinh là chứng bệnh khá phổ biến ở phụ nữ. Tùy vào các thuộc tính nhân cách, mức độ mắc bệnh… mỗi người có những biểu hiện khác nhau.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh của sản phụ nhưng nguyên nhân chính cũng bởi sau khi sinh con các bà mẹ phải trải qua sự biến đổi đột ngột về cơ thể như: huyết áp thay đổi, suy giảm nồng độ hooc-môn… Bên cạnh đó, do phải trải qua quá tình sinh con đau đớn hoặc do chưa chuẩn bị sẵn sàng để làm mẹ, lo lắng quá nhiều về trách nhiệm làm mẹ của mình, họ cũng gặp phải nhiều vấn đề về tâm lý.
Mặt khác, nếu phải sống trong những mối quan hệ xã hội không tích cực như xảy ra mâu thuẫn với chồng, mẹ chồng, bạn bè… phụ nữ sau sinh cũng có thể gia tăng cảm giác chán nản và nghĩ rằng, việc mình sinh ra đứa bé cũng chính là nguyên nhân. Đặc biệt, với những người không có người thân chia sẻ trong giai đoạn này có nguy cơ bị trầm cảm gấp 5 lần so với người được chia sẻ.
Trầm cảm với phụ nữ sau sinh là một nguyên nhân gây tử vong mẹ thầm lặng. Vì vậy, hệ thống y tế cần tuyên truyền cho các thai phụ chú ý đến trầm cảm (chiếm tỉ lệ 10-15%), nhiều hơn so với một số bệnh lý thường gặp như tiền sản giật (khoảng 10%) hay tiểu đường đang được quan tâm sàng lọc… nhưng lại ít được cộng đồng và xã hội quan tâm. Hơn ai hết, người chồng, gia đình, người thân… cần gần gũi chia sẻ với sản phụ trong thời kì hậu sản, để có thể tránh được những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Ngoài ra, trước và trong khi mang bầu, phụ nữ nên chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tích lũy kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm để làm mẹ một cách chủ động. Trong khi mang thai, các bà mẹ nên suy nghĩ tích cực và để mình ở trong trạng thái “chờ đợi” đứa con ra đời. Mỗi bà mẹ hãy cố gắng suy nghĩ thật lạc quan, không nghiêm trọng và bi kịch hóa vấn đề. Đặc biệt, sau khi sinh con, các bà mẹ không nên ép mình phải trở thành một bà mẹ quá hoàn hảo.
Về phía gia đình, mọi người nên quan tâm, chăm sóc và thấu hiểu để giảm thiểu tối đa căng thẳng của người nữ khi họ mang bầu.
Đối với những người đã phát hiện ra mình có biểu hiện của chứng bệnh trầm cảm sau sinh, cần thăm khám để tìm ra các biện pháp chữa trị kịp thời về mặt y học và tâm lý.
Phạm Hậu (th)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét