Ông Ngô Thế Phổ (áo trắng) chụp cùng bố là cụ Ngô Thế Chiện.
Ông Ngô Thế Phổ (Phùng Hưng, Hà Nội):
Không chấp nhận việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão
Là con trưởng trong một gia đình tứ đại đồng đường như gia đình tôi sẽ không bao giờ đồng ý với việc đưa bố mẹ già vào viện tâm dưỡng lão. Có thể ở các viện dưỡng lão hiện nay điều kiện, chế độ chăm sóc là rất tốt nhưng tôi cũng không bao giờ nghĩ tới chuyện để cha mẹ vào đó sống. Việc chăm sóc các cụ ở những nơi như vậy không tin tưởng được bằng các con, cháu tự tay chăm sóc bố mẹ trong gia đình.
Hơn nữa, gia đình tôi có một nền nếp gia phong từ xưa mấy thế hệ tứ đại đồng đường. Bao năm nay, hơn 20 thành viên trong gia đình sinh sống êm đềm trong một ngôi nhà trên phố Phùng Hưng. Bố tôi năm nay đã 93 tuổi, có 5 người con, có tới 24 chắt nội, chắt ngoại. Hiện giờ đang sống cùng bố, mẹ, ông bà và cụ nội trong ngôi nhà cha ông để lại đầy kỷ niệm. Mọi nền nếp sinh hoạt của gia đình bao năm nay vẫn được giữ nguyên như thời ông nội, không khác xưa là bao.
Truyền thống cũng như đạo đức của người làm con, cháu không chấp nhận việc con cháu không phụng dưỡng cha mẹ. Nếu giờ gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão trong khi con cháu đuề huề thì càng không thể chấp nhận. Bổn phận làm con, tôi muốn mình tự tay chăm sóc các cụ lúc tuổi già tới khi 100 tuổi. Tôi là con trưởng, hiện vẫn có thể chăm sóc cha chứ chưa cần nhờ đến các em, cháu gì nhiều.
Có thể với nhiều gia đình mà nhiều thế hệ sống chung và hòa hợp được với cha mẹ già là điều khó nhưng nếu có tình thương, trách nhiệm với cha mẹ sẽ vượt qua được những khó khăn này. Theo tôi, con cái cũng phải đặt mình vào vị trí của cha mẹ, phải hiểu thế hệ của cha mẹ có những suy nghĩ, nếp sống cách xa mình vài chục năm để lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, tình cảm của cha mẹ, để thông cảm và giúp đỡ cha mẹ khi tuổi già, nhất là khi đau ốm. Ai cũng phải trải qua tuổi già, vậy nên chăm sóc cha mẹ hôm nay cũng chính là làm gương cho con cái chăm sóc lại mình mai sau. Nhà tôi có ba anh em ở 26 Phùng Hưng, có gì ngon là mời cụ ăn, các cháu, chắt hàng ngày ríu rít bên cụ thì chắc chắn là cụ sẽ thọ hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Hào Hùng.
Ông Nguyễn Hào Hùng (phố Nguyễn Khuyến, Hà nội):
Người già cần tinh thần
Tôi từng được chứng kiến không ít chuyện liên quan đến việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Nhưng những người vào viện dưỡng lão trừ một số nhỏ là tự nguyện, phần lớn là cô đơn không nơi nương tựa, bị bệnh mất trí nhớ, bại liệt, hay bị các bệnh mãn tính khác… còn người có con cái đầy đủ thì không ai muốn, nhất là những gia đình tam tứ đại đồng đường như gia đình tôi. Việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là việc làm đi ngược với truyền thống, thay đổi hoàn toàn quan niệm về giá trị gia đình của người Việt Nam.
Cá nhân tôi không ủng hộ quan điểm đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Ở đó, con cái đến thăm nom nhiều cũng chỉ được vài buổi, thậm chí có người cả năm chả có ai thăm. Mối quan hệ tình cảm cha mẹ, con cái sẽ ít dần đi. Trong khi người cao tuổi rất cần được giao tiếp, hàng ngày được tình cảm trò chuyện với con cháu là nhu cầu rất lớn, nhiều khi còn quan trọng hơn việc con cái biếu mình nhiều tiền hay ít tiền. Điều đó mới đảm bảo yếu tố vui của người già.
Hơn nữa, tuy là cha mẹ vào đấy có thể được chăm sóc y tế tốt song cũng không yên tâm bằng việc hàng ngày con cái được nhìn thấy hình hài của cha mẹ và cha mẹ được cảm nhận sự chăm chút từ con cháu. Vấn đề ở đây cho người cao tuổi là tìm được sự cân hòa giữa chăm sóc vật chất, các yếu tố tình cảm, tâm linh.
Người già tốt nhất cần được sống bên con cháu. Nhiều người đổ lỗi cho mưu sinh mà quên mất việc cha mẹ mình cũng từng hy sinh sức khỏe cả đời cho con cái. Vì thế, được chăm sóc, báo hiếu cha mẹ khi về già cũng là một điều may mắn không phải ai cũng có được. Việc báo hiếu, chăm sóc, đối xử tốt với cha mẹ già không chỉ là trách nhiệm, bổn phận của con cái mà còn thể hiện đạo đức làm người.
Bố mẹ tôi có 6 người con, 5 trai, 1 gái và tất cả đều thành đạt. Hiện có 3 anh em ruột sống trong căn nhà rộng gần 200m2 từ thời cha ông để lại. Mỗi thành viên đều có cuộc sống riêng, nhưng tất cả đều coi căn nhà số 1, ngõ 115, phố Nguyễn Khuyến là tổ ấm, là nơi để về. Ai cũng muốn giữ cái “nếp” truyền thống ấy và phụng dưỡng mẹ già yếu là chuyện an nhiên.
Có thể với sự phát triển của xã hội thì xu hướng phát triển viện dưỡng lão là tất yếu nhưng tôi vẫn không muốn đưa cha mẹ mình vào viện dưỡng lão. Tôi nghĩ ở Việt Nam, viện dưỡng lão mới chỉ là giải pháp tình thế cho một số trường hợp như tôi nói trên. Còn ở phương Tây nó là tất yếu vì gia đình hạt nhân đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và có nhiều thay đổi, thậm chí đổ vỡ về thang giá trị, định hình nếp sống con cái sống độc lập với cha mẹ sau tuổi trưởng thành (18 tuổi) nên người già thường phải tự lo cho bản thân thay vì trông chờ vào sự túc trực, chăm sóc của con cái. Hơn nữa, trong suốt quãng đời lao động, họ đã đóng thuế cao nên khi về già được nhà nước đài thọ tử tế khi sống trong các viện dưỡng lão chuyên nghiệp và được hưởng những dịch vụ của khoa học tốt nhất về chăm sóc người cao tuổi.
Bà Trần Thị Thảo.
Bà Trần Thị Thảo (Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội):
Chuyện đáng xấu hổ
Ở thành thị thì có thể bình thường nhưng ở nông thôn chuyện này vẫn coi là chuyện đáng xấu hổ vì ở quê con cháu lúc nào cũng đầy nhà. Dù cha hoặc mẹ có bệnh tật thì vẫn còn con cháu, bạn bè hàng xóm xung quanh làm bạn tuổi già thì sao phải gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão làm gì?
Có con cái thì ở nhà con cái chăm sóc. Đó là trách nhiệm của con cái trong gia đình, nếu không con cái thì mới vào viện dưỡng lão để Nhà nước chăm sóc. Việc con cái gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão với một đống tiền rồi bỏ bẵng thì cũng không nên. Người già được ở bên con cháu tinh thần cũng thoải mái hơn, nếu còn khỏe vẫn có thể trợ giúp được các con, chăm sóc cháu để con có thời gian tập trung vào công việc. Tôi nghĩ, không nhiều người già thích sống xa con cháu. Con cái đừng nên “khoán gọn” cho các viện dưỡng lão mà vẫn phải thường xuyên thăm hỏi và động viên, không nên tạo ra cho cha mẹ, ông bà tâm lý bị bỏ rơi.
Phương Thuận
0 nhận xét:
Đăng nhận xét