Hầu hết nam giới khi đến gặp chuyên gia tư vấn đều muốn cố cứu vãn hôn nhân. Nhưng khi các đôi để cho vấn đề của mình đến mức "mưng mủ" thì hầu như chẳng có cách gì giúp nổi, theo Antonio Borello, một nhà tâm lý ở Detroit, Michigan, Mỹ.
"Hầu hết các cuộc hôn nhân đều có thể phục hồi sau những giai đoạn cơm không lành canh không ngọt ngắn hay những cuộc xung đột, thiếu chia sẻ với nhau. Nhưng với nhiều đôi, mâu thuẫn kéo dài, giao tiếp trở nên vắng hẳn và những bất đồng dẫn tới sự phẫn uất, giận dữ và thờ ơ thì có thể khiến họ không muốn ở gần nhau nữa", bà nói.
Dưới đây, Borrello và các nhà trị liệu tình yêu - hôn nhân khác chia sẻ một số lý do phổ biến khiến đàn ông muốn đưa đơn ly dị, theo Huffingtonpost:
Họ cảm thấy mình không được trân trọng
Đàn ông muốn cảm nhận tình yêu từ bạn đời. Khi một người chồng cảm thấy mình bị cả gia đình coi thường, họ sẽ thể hiện sự phẫn nộ hơn là yêu thương, Alexandara H.Solomon, một nhà tâm lý tại Viện gia đình ở Đại học Northwestern cho biết.
"Bên cạnh sự kết nối về tình dục và tình cảm, một trong những đòi hỏi lớn nhất cho hôn nhân là nhận ra rằng sự gần gũi giữa hai người là về những thứ rất thường nhật: công nhận việc ai là người hay lái xe đưa cả nhà đi lại, ai trả tiền thuê nhà, ai trong hai vợ chồng hay thay giấy vệ sinh hơn", bà nói. Người đàn ông (và phụ nữ) bị coi thường sẽ cảm thấy vỡ mộng trước thực tế hôn nhân và thường có nguy cơ ly dị.
Ảnh minh họa: Fauxcountrynews.
Họ không thể chấp nhận thói vung tay quá trán của bạn đời
Nhiều nam giới đến với nhà tư vấn thường ca thán về thói quen chi tiêu vô tội vạ của vợ, chuyên gia tâm lý Diane Barth cho biết. Điều này đặc biệt đúng nếu người chồng kiếm được nhiều tiền hơn trong gia đình.
"Khi tôi nghe những điều kiểu như 'vợ tôi tiêu xài hết số tiền chúng tôi kiếm được' thì điều ẩn dưới lời phàn nàn đó là cảm giác người vợ của anh ta không quý trọng công sức của chồng", bà nói. "Thực ra, những người đàn ông này sẽ không cảm thấy ấm ức như vậy nếu như vợ họ hiểu rằng chồng đã vất vả thế nào để kiếm được số tiền ấy và thi thoảng nói câu 'em cảm ơn anh'".
Bị "cắm sừng"
Không chung thủy thường được cho là lý do dẫn đến ly hôn nhưng vấn đề thực sự thường lớn hơn, tiến sĩ Borello cho biết.
"Khi một người đàn ông rời bỏ gia đình vì bị phản bội, thường khó biết những vấn đề ẩn sâu bên trong là gì và góp phần thế nào đến quyết định chia tay. Chuyện ngoại tình ít khi xảy ra trong những cuộc hôn nhân cực kỳ hạnh phúc", nhà tâm lý nói.
Họ không còn điều gì chung với vợ nữa
Con người thay đổi. Thật khó khi người đàn ông mong đợi người anh ta lấy 10 năm trước vẫn y như ngày mới cưới. Thực tế là, nếu bạn muốn giữ hôn nhân, cả hai vợ chồng đều phải tiến bước cùng nhau hoặc mỗi người sẽ có nguy cơ rẽ sang một ngả.
"Tôi hay nghe đàn ông nói rằng 'Chúng tôi chẳng còn có chung bất cứ sở thích nào nữa'. Anh ta muốn đi lặn biển ở nơi hoang sơ trong kỳ nghỉ nhưng vợ lại thích đến khách sạn sang trọng tại một thành phố hoa lệ. Anh thích đi xem phim nhưng vợ chồng chẳng thể tìm được một bộ phim cả hai đều muốn xem", bà kể. Những điều có vẻ như nhỏ nhặt này lại cho thấy sự khác biệt đáng kể, góp phần khiến cả hai cảm thấy không còn được tôn trọng, yêu thương hay có chung suy nghĩ với nhau.
Họ cảm thấy không tương xứng
Hầu hết những nam giới bất hạnh tìm tới nhà tâm lý đều nói rằng họ cảm thấy không có sự tương xứng trong hôn nhân của mình, chuyên gia Solomon nói.
"Khi nam giới cư xử tệ (ngoại tình, gào thét hay cố gắng kiểm soát bạn đời), nguyên nhân sâu xa gây nên các hành vi đó là một nỗi lo sợ rằng họ không được giỏi giang, thành công trong mắt vợ", bà nói. Theo chuyên gia, khi đó, các đôi thường vướng vào một vòng luẩn quẩn: vợ cảm thấy cô độc, vì vậy cô ấy hay cằn nhằn. Vợ càng cằn nhằn nhiều, chồng càng cảm thấy mình kém cỏi. Chồng càng cảm thấy kém cỏi thì càng bỏ bê gia đình và sa đà vào những việc làm tự hủy hoại bản thân, phá hủy gia đình. "Đó là một vòng tròn đau đớn", chuyên gia chia sẻ.
Sex nhàm chán hoặc hoàn toàn không tồn tại
Khi một người đàn ông phàn nàn về đời sống tình dục thiếu thốn của mình, vấn đề lo ngại sâu xa thường là vợ không còn thấy họ có sự hấp dẫn về thể xác nữa.
"Nỗi lo sợ ngầm với một người đàn ông là mình không còn thu hút nữa. Cảm giác này, ngay cả chính họ cũng không nhận ra, thường ẩn sâu dưới những trục trặc về sex của các đôi, ngay cả khi người đàn ông chủ động từ chối sex", nhà tâm lý Barth nói.
Họ không cảm thấy các nhu cầu của mình được nhận ra hay thừa nhận
Khi hôn nhân đứng trước giai đoạn khó khăn, nhu cầu lớn nhất (thậm chí lớn hơn cả việc giải quyết vấn đề) là được thấu hiểu, cảm thông, nhà tâm lý Solomon nói. Khi một người chồng nghi ngờ vợ ít quan tâm tới mình và những ảnh hưởng anh ta đang phải chịu từ trục trặc hôn nhân, anh ta càng cảm thấy thất vọng.
Trừ phi cặp vợ chồng đó có cơ hội để xây đắp lại sự kết nối tình cảm (thường thông qua trị liệu tâm lý), người chồng sẽ cảm thấy hôn nhân của mình không có hy vọng thay đổi. Cảm giác vô vọng rất đau đớn và nó là thuốc độc cho hôn nhân, làm gia tăng nguy cơ ly hôn, chuyên gia chia sẻ.
Theo Vương Linh/Ngôi sao
0 nhận xét:
Đăng nhận xét