Ngày của hạnh phúc!

Mỗi gia đình thực sự là một tổ ấm thiêng liêng hạnh phúc nhất của con người. Ảnh: Chí cường

Mỗi gia đình thực sự là một tổ ấm thiêng liêng hạnh phúc nhất của con người. Ảnh: Chí cường

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu lúc sinh thời đã từng căn dặn: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Học giả Đào Duy Anh khi nghiên cứu về gia đình Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử dân tộc đã đưa ra những nhận xét xác đáng: “Gia tộc Việt Nam xưa nay có hai bậc: Một là nhà hay tiểu gia đình gồm vợ chồng, cha mẹ và con cái; Hai là họ hàng hay là đại gia đình gồm các đàn ông và đàn bà cùng một ông tổ sinh ra kể cả người chết và người sống”.

Người Việt Nam có lối ứng xử rất hay trong đời sống thường trực hàng ngày đó là hiếu thảo. Đây cũng là đạo đức của xã hội phương Đông. Cổ nhân nói: “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên” (Trong trăm nét tốt của con người thì chữ hiếu đứng hàng đầu). Ca dao Việt Nam cùng từng đúc kết đạo lý sống vẫn là chân lý qua bao thế kỷ: “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra – Một lòng thờ mẹ kính cha – Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Nhà văn Ma Văn Kháng, người đã từng viết nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về đề tài gia đình, hạnh phúc gia đình như “Mùa lá rụng trong vườn” hay “Đám cưới không có giấy giá thú” đã từng tâm sự: “Trong bối cảnh đời sống của ngày hôm nay, vai trò gia đình ngày càng nổi bật lên như một môi trường giáo dục cá biệt, toàn diện và hiệu ích nhất. Gia đình là hình ảnh một mái nhà che chở, nơi con người trú ngụ chống trả mọi phong ba bão táp, nỗi cô đơn – Căn bệnh phổ biến của thế giới hiện đại. Gia đình là nơi cân bằng lại mọi xô lệch của đời sống con người”.

Hạnh phúc con người có gì cao xa đâu: Đó là hình ảnh bếp lửa bập bùng của nồi bánh chưng đêm 30 Tết. Đó là bữa cơm gia đình quây quần bên nhau với bao hương vị đồng quê với bao món ẩm thực dân dã. Là cảnh đầm ấm trong những câu ca dao: “Râu tôm nấu với ruột bầu, Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.

Cố nhạc sĩ An Thuyên, người từng “Neo đậu bến quê”, từng trăn trở “Bao giờ về được ao quê”, từng mong muốn “Khổ đau càng muốn về”, vẫn “Em chọn lối này” lối về với gia đình. Vâng, lối này, lối ấy là mạch nguồn dân ca đằm thắm trong trẻo chạy từ sâu thẳm làng quê nơi đó có bóng dáng của mỗi ngôi nhà, mỗi gia đình. Trở về với quê với gia đình chính là trở lại với mình, trở lại với ký ức tuổi thơ là nơi hình thành nhân cách ban đầu của con người.

Gia đình chính là bệ phóng của tương lai. Nhà thơ Chế Lan Viên thật có lý khi ông thấm thía nghĩa tình lớn lao của mẹ: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Ngôi nhà của mẹ là điểm tựa của con. Và con cũng chính là điểm tựa của mẹ. Mẹ ơi! Có một ngày của mẹ - Có một ngày của gia đình. Hạnh phúc của mẹ chính là hạnh phúc gia đình bởi mẹ chính là hạt nhân tổ ấm. . .

Hà Tĩnh, ngày 19/6/2016

Tản văn của Nguyễn Ngọc Phú (Hội Văn nghệ Hà Tĩnh)

Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét