Cho trẻ chơi Pokemon Go, coi chừng con bị bắt cóc!

Ngày 6/8, trò chơi điện tử Pokemon Go chính thức được phát hành tại Việt Nam. Đây là một trò chơi dạng thực tế ảo, đòi hỏi người chơi phải dùng smartphone và di chuyển theo bản đồ định vị để “bắt” thú ảo. Rất nhanh, nhiều người Việt đang trở thành tín đồ của trò chơi này, nhất là giới trẻ.

Em Hoàng Thanh Phong – một học sinh lớp 9 tại Ninh Bình được phụ huynh phản ánh: “Một hôm đang buổi tối, cu cậu đi chơi Pokemon cách nhà mấy chục ki-lô-mét, thậm chí còn định bò lên núi để “bắt” nữa”.

Tại Hà Nội, anh Hoàng Minh Hiếu (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm) có con trai đang học lớp 3 nghiêm khắc chia sẻ: “Bình thường, con tôi cũng khá ham chơi game, thường mượn điện thoại của bố, mẹ và máy tính của chị họ để chơi. Nhưng với trò Pokemon Go này thì nhà tôi sẽ triệt để ngăn cấm. Việc cháu phải ra ngoài chơi là rất nguy hiểm nên chúng tôi nhất quyết sẽ không cho phép con tiếp xúc với nó”.

Trò chơi nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Với Pokemon Go, nếu người chơi không biết kiểm soát thì có thể gặp phải những rủi ro đáng tiếc: Tai nạn nguy hiểm và tác hại đối với với sức khỏe.

 Pokemon Go dễ dàng hấp dẫn trẻ nhỏ, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm. Ảnh: Đình Việt

Pokemon Go dễ dàng hấp dẫn trẻ nhỏ, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm. Ảnh: Đình Việt

Từ khi xuất hiện trò chơi này ở nhiều quốc gia, không ít tai nạn nguy hiểm đã xảy ra mà đối tượng chơi là người lớn. Nếu trẻ em ham chơi thì cũng sẽ không ngoại trừ. Tuy nhiên, có nhiều điều cần lưu ý khác chính là nguy cơ trẻ bị bắt cóc, sức khỏe dễ bị ảnh hưởng và sa sút trong học hành.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho biết: “Trước hết, trò này sẽ khiến người ta phải tốn nhiều thời gian để chơi. Thứ hai, nảy sinh ham muốn được chơi nên trẻ sẽ luôn tìm cách để được mượn điện thoại hoặc xin tiền để mua điện thoại”.

Như vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý khi con đề cập ý định xin tiền/muốn mua điện thoại, đồng thời cần quan tâm đúng cách về những khoản tiền riêng của con (nếu có). Đồng thời, cũng không thể ngoại trừ rủi ro về các đối tượng xấu sẽ lợi dụng điều này để dụ dỗ trẻ.

Thứ ba, theo chuyên gia này thì “Pokemon Go dễ khiến người ta say mê vô cùng với thú vui “bắt” được rất nhiều thú ảo. Do đó, trẻ sẽ luôn bị phân tán tư tưởng, thậm chí “mê muội” không muốn tập trung vào những việc khác”. Từ đó, rủi ro dễ thấy là chểnh mảng học tập. Đồng thời, quá ham chơi nên dễ dẫn đến biếng ăn, rối loạn đồng hồ sinh học giấc ngủ.

Thứ tư, về khả năng bị lạc, "trẻ mà đã chơi được trò này thì sẽ ít cháu có thể bị lạc (trừ những trẻ dưới 6 tuổi thì khả năng bị lạc cao hơn) nhưng nguy hiểm hơn chính là khả năng bị bắt cóc bởi những cái “bẫy” của kẻ xấu bày ra để bắt cóc, làm hại" - vị chuyên gia này suy luận.

Mới đây, một clip thử nghiệm tại Mỹ đối với bé gái 12 tuổi đang ham chơi Pokemon Go đã khiến người xem phải giật mình khi dễ dàng lên xe của người lạ với lời mời “đưa đi bắt Pokemon”.

Thứ năm, khác với người lớn, sức đề kháng của trẻ nhỏ kém hơn nhiều nên nếu quá ham mê chơi trò chơi này thì sẽ tiềm ẩn khá nhiều rủi ro về sức khỏe. Ngoài tác hại đối với mắt, rối loạn tâm lý tinh thần và đồng hồ sinh học thì việc quá ham chơi Pokemon Go ở ngoài trời có thể khiến trẻ mắc nhiều bệnh.

 Khi ham chơi, nhiều người sẽ bất chấp để bắt thú ảo. Ảnh: Đình Việt

Khi ham chơi, nhiều người sẽ bất chấp để "bắt" thú ảo. Ảnh: Đình Việt

Với điều kiện phải di chuyển ở bên ngoài để dò thú ảo, nhất là nếu vào lúc trời nắng gắt thì càng có hại. Khi nhiệt độ tăng cao khiến mạch máu dưới da của trẻ dễ bị giãn, tăng tiết mồ hôi, nhanh mệt, giảm sức đề kháng, có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước và điện giải. Trong khi đó, khả năng điều hòa nhiệt độ của trẻ em lại kém hơn người lớn nên rất dễ mắc bệnh: hô hấp, tiêu chảy, rôm sảy, tay chân miệng, say nắng…

Đối với mắt - tác hại dễ thấy nhất khi chơi các trò chơi điện tử thì Pokemon Go cũng không ngoại trừ. Với trẻ con thì càng nguy hại hơn. Bác sĩ Nguyễn Duy Bích (Khoa Mắt - Bệnh viện E) cho biết: Thường xuyên chơi trò này ở ngoài không gian nhưng mắt trẻ lại tập trung vào một hướng màn hình điện thoại thì dễ bị mỏi, hoa mắt, chóng mặt do phải điều tiết quá nhiều. Trò chơi có thể gây nên chứng song thị tình huống (nhìn thấy 2 ảnh của 1 vật) do tập trung nhìn quá lâu (nhưng sau đó sẽ được khôi phục lại bình thường).

Lời khuyên cho các bậc cha mẹ không nên nhất thời gay gắt khi có con ham chơi Pokemon Go, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng: “Nếu con trẻ quá ham chơi Pokemon Go thì các phụ huynh cần biết cách khước từ con bằng tình yêu thương chứ không phạt, cấm đoán hay tịch thu điện thoại… vì những biện pháp này sẽ không thật sự có hiệu quả. Điều mà các cha mẹ cần làm là phải cố gắng hiểu ý con, lắng nghe con nói, trước tiên là xem con ham chơi đến mức nào, con muốn gì rồi tìm cách để khắc phục”.

Nông Thuyết

Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét