Thâm cung bí sử (88 - 11): May rủi chuyện đời

Tôi học được mẹ Tú hai món ăn ngon. Một là món cá tràu kho. Người Hà Tĩnh gọi con cá quả là cá tràu. Cá tràu chọn con đực, mua về đánh vảy, mổ bụng, rửa sạch. Thái vài lát riềng tươi, một củ nghệ tươi nhỏ đập dập, rải một lớp lá chè xanh vào nồi đất, xếp những khúc cá vào nồi, đổ hai thìa canh nước mắm ngon và một ít nước lã vào, bắc lên bếp kho cho tới khi cạn nước. Cá kho như thế rất ngon, miếng cá vàng thơm và cứng. Món thứ hai mẹ Tú dạy tôi là canh rau tập tàng. Đây là một loại rau dại, quả trông giống chiếc đèn lồng nhỏ xíu. Rau tập tàng hái về thái nhỏ. Cho một thìa con mắm tôm vào nồi, đổ nước lã vào khuấy đều. Bắc nồi lên bếp đun sôi rồi bỏ rau tập tàng vào. Một thìa mắm tôm đã đủ mặn rồi nên không cần phải nêm mắm muối gì nữa. Canh rau tập tàng nấu mắm tôm ngọt lừ mà không cần tới bột ngọt. Tôi nấu những món ăn ấy mang vào bệnh viện cho Tú. Còn món uống thì tôi dùng bột sắn dây. Vì Tú phải dùng kháng sinh nhiều nên bị nóng trong. Uống bột sắn dây mát và vết thương không bị nhức. Tôi chăm sóc Tú 10 ngày. Khi vết chém trên vai Tú đã liền miệng và nhìn sắc mặt anh đã hồng lại, tôi mới ra Hà Nội. Thoa nói: “Chuyện rủi mà hóa may. Sau vụ này, bà Hải sẽ vừa mất chồng, vừa mất việc. Cô giáo mà ứng xử như dân đao búa thì nhất định sẽ bị đuổi khỏi ngành. Và vợ tổ chức đánh chồng như thế thì không thể sống chung được nữa. Đây là lúc cậu phải đón lấy anh Tú. Nếu cậu chần chừ thì đừng có trách lẫn trời gần, trời xa. Ông trời đã trao cơ hội cho hai người rồi. Trước đây, cậu và anh Tú yêu nhau là do tín hiệu của trái tim. Còn bây giờ, hai người đến với nhau là do ý trời và không thể làm trái ý trời được”. “Đúng là tớ không thể xa Tú được nữa. Nhưng tớ chưa biết quyết định như thế nào. Vào Hà Tĩnh sống thì tớ không muốn. Tớ còn xưởng lụa, còn công việc và còn các cậu nữa. Vả lại, tớ cũng không thích hàng ngày phải chạm mặt bà Hải”. “Thì bạn tổ chức cho anh Tú ra đây sống. Anh ấy là con thứ chứ không phải trưởng nam nên có thể ra đây được”. “Hơi khó đấy. Ra đây thì anh Tú sẽ làm gì. Cử nhân sư phạm thất nghiệp đầy ra, xin một suất dạy học ở Hà Nội khó như đường lên trời”. “Với anh Tú thì không khó như thế. Anh ấy đã vào biên chế của ngành giáo dục từ lâu rồi, lại đường đường là quyền hiệu trưởng và giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Việc của anh Tú là xin chuyển vùng chứ không phải xin vào biên chế. Tớ sẽ giúp hai người việc. Nhưng trước hết phải làm lễ cưới đã. Cưới xong, anh Tú nhập hộ khẩu vào với vợ, như thế thì anh ấy đương nhiên thành công dân Hà Nội. Xin chuyển vùng công tác là để hợp lý hóa gia đình thôi”.

(Còn nữa)

Khánh Hoàng

Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét