Nàng dâu chia sẻ bí kíp sống hạnh phúc với nhà chồng

Gia đình bà Bình hạnh phúc bên mẹ chồng (ảnh nhân vật cung cấp).

Gia đình bà Bình hạnh phúc bên mẹ chồng (ảnh nhân vật cung cấp).

Chu đáo với từng chuyến đi chơi của mẹ chồng

Sau hai ngày liền chị Thoan (ở Đào Tấn, Hà Nội) vắng mặt, hôm nay chị mới ra công viên tập thể dục. Chị hể hả khoe với mọi người rằng, dành mấy ngày đó để dọn dẹp nhà cửa đón mẹ chồng đến chơi. Thấy mọi người ngạc nhiên chị cười vui chia sẻ: Mẹ chồng chị ở góa từ trẻ, chị gái lớn đã yên bề gia thất còn chồng chị được mẹ cưng chiều, ăn học tử tế. Chồng chị khỏe mạnh, giỏi giang nên bà không ưng cô con dâu còi cọc ốm nhách là chị, mà vẫn phải cho cưới vì cả hai người đã quyết tâm gắn kết với nhau.

Trước khi về nhà chồng, mẹ đẻ chị đã căn dặn con gái “nhập gia phải tùy tục”, vợ chồng muốn hạnh phúc thì phải biết nhịn trên, nhường dưới. Nghe lời mẹ đẻ, khi về nhà chồng mọi việc trong nhà chị Thoan nhất nhất hỏi ý mẹ chồng, không dám ỉ mình có tiền, có học tự tiện mọi việc. Với chị gái chồng, họ hàng bên chồng, chị luôn vui vẻ, tận tâm…

Với bí kíp đó, chị Thoan được lòng cả đại gia đình nhà chồng. Từ khi chị về làm dâu, mẹ chồng cũng không phải lo lắng cho quý tử, bà thoải mái đi lễ bái, du lịch… Chuyến đi nào của bà, chị cũng hỏi han và biếu tiền để bà mua sắm. Các dịp lễ Tết, giỗ chạp, sinh nhật… chị luôn chăm lo đầy đủ, chu đáo.

Mẹ chồng mắng cũng không được giận

Bà Bùi Thị Bình (ở TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đi lên từ hai bàn tay trắng, nhưng hôn nhân rất hạnh phúc. Bà tâm sự, cưới nhau xong ông ấy đi bộ đội biền biệt 15 năm, một mình nuôi hai con thời bú mớm, sài đẹn… Rồi chăm sóc hai bên gia đình nội ngoại… mà vẫn nhiều lần được nhận danh hiệu “Phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà”. Sau 15 năm xa nhà, ông Cường (chồng bà) mới về công tác gần nhà, chia sẻ bớt gánh nặng lo toan cho vợ.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Cường khoe, 40 năm làm dâu, 30 năm sống chung với bố mẹ chồng nhưng bà Bình luôn được các em nể trọng. Bố mẹ ông Cường lúc nào cũng thích ở với con dâu Bình vì bà đón được ý và chăm sóc các cụ rất tốt. Mẹ ông Cường năm nay đã 104 tuổi, cụ bị lẫn, lại rất khó tính… chỉ có mỗi bà Bình là chiều được.

Bà Bình chia sẻ: “Trước khi đi lấy chồng, mẹ đẻ đã dạy tôi rằng, trong gia đình mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật, nên con luôn phải thương yêu chăm sóc mẹ chồng như mẹ đẻ. Rằng tình yêu và hạnh phúc được quyết định bởi chính mình, nhưng không bao giờ tự đến với những con người chỉ biết sống cho mình. Muốn có tình yêu cần phải độ lượng, bao dung, mở rộng tấm lòng với mọi người, muốn có hạnh phúc cần phải biết sẻ chia, biết vì cái chung, biết hy sinh vì mọi người, đầu tiên là với mọi người trong gia đình, rồi ra bạn bè và cộng đồng. Tình yêu, hạnh phúc dù bé nhỏ, đơn sơ nhưng rất quý giá chẳng tiền tài địa vị nào mua nổi, vì thế luôn cần giữ gìn trân trọng”.

Suốt 40 năm làm dâu, 30 năm sống chung với bố mẹ chồng, nhiều lần bị mẹ chồng mắng, nhưng bà Bình vẫn không giận mẹ. Chờ lúc cụ bớt giận mới lân la giải thích. Có lần thì bà Bình còn pha trò để mẹ chồng bớt giận.

Chia sẻ bí quyết hòa thuận với gia đình chồng, bà Bình bảo đó là do mình thương mẹ chồng như mẹ đẻ. Cũng chính bởi điều này mà ông Cường càng yêu vợ hơn vì có người vợ đảm, thảo hiền, là tấm gương cho anh em và con cháu trong nhà.

Trân trọng từng món quà quê của mẹ chồng

Chị Lê Thị Thu (ở Lê Trọng Tấn, Hà Nội) chia sẻ rằng, mẹ chồng của chị chân lấm tay bùn nhưng rất tuyệt vời. Tết đầu tiên về làm dâu, nửa đêm mẹ chồng dậy, nhưng sợ các con thức giấc nên cứ rón rén đi xuống bếp để làm cơm, rồi đun nước chuẩn bị thịt lợn, chày cối, mắm muối để giã giò… Tết năm ấy chị mới biết cỗ quê nhà chồng cúng gia tiên bày trong bát chiết yêu, đĩa cổ rất đẹp mắt.

Sáng mùng 2 Tết, mới 3 giờ sáng mẹ đã dậy để đi cắt rau cho kịp chợ sớm. Khi chị dậy đã thấy mẹ suýt soa trong sương giá buốt, tay bùn kéo gầu nước giếng trong veo nhưng lạnh buốt lên rửa ráy. Tới trưa ấm lên, mẹ mới ngồi trên chiếc phản giữa nhà lặng lẽ vuốt những đồng tiền nhàu bán rau.

Ngày con dâu sinh nở vào đúng mùa đông tháng giá, mẹ chồng sai em chồng đạp gần một trăm kilômét chỉ để đem bao than củi to phè cho con dâu nằm than, tránh hậu sản. Lúc ấy chồng chị đã gắt lên: “Thời buổi này người ta sưởi điện, ai quạt than, nằm than nữa đâu mà gửi”. Chị thấy vậy bảo chồng: “Than mẹ lo cho em, cứ quạt để em nằm”.

Ngày con dâu sinh đứa con thứ hai, chú em đưa mẹ ra thăm. Trước khi đi mẹ chồng sàng gạo mới, chọn từng quả trứng gà so đem ra cho con dâu. Những ngày ở nhà với con dâu, mẹ nấu nướng các món dân dã, lật giường, đệm lau từng cái nan giường, giặt chiếu chăn phơi phóng hết lượt. Vừa làm mẹ vừa luôn miệng kể trăm thứ chuyện bà rằn, về món ăn chồng thích, các sở thích của chồng, cách chăm sóc chồng, con, về những người họ hàng chị còn chưa biết mặt. Bà đã rất vui khi thấy con dâu nghe chuyện của bà. Chị đang ở cữ, định dậy giúp mẹ chồng thì bà gắt lên, bắt nằm nghỉ. Bà còn quấn khăn vào cổ cho chị kẻo sợ lạnh sau này dễ ho. Bắt mặc quần dài để sau này mưa không bị rét. Bắt đội mũ để sau này ra gió không bị buốt đầu… Bà chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm và chị răm rắp làm theo, lúc ấy chỉ nghĩ là để bà vui và mẹ chồng chị đã rất vui ở với con dâu hàng tháng.

Khi mẹ chồng về quê, thi thoảng lại gửi hoa quả quê, trứng tươi, hạt lạc, hạt vừng lên cho cháu. Tình cảm của mẹ chồng với con cái tốt như thế, nên cả năm vừa rồi mẹ chồng ốm, cả nhà xúm vào lo toan chữa bệnh cho mẹ. Chị cũng nghỉ không ăn lương 2 tháng để về chăm mẹ chồng. Khi chồng về đón chị ra thành phố, mẹ run rẩy chống gậy ra ngõ nhìn theo, chị thấy xót thương mẹ chồng như chính mẹ đẻ của mình.

“Để quan hệ nàng dâu, mẹ chồng tốt đẹp thì ngay từ đầu tôi đã tôn trọng, yêu thương, quan tâm mẹ chồng như mẹ đẻ. Tôi luôn trân trọng những món quà quê, nên lần nào về quê mẹ chồng cũng muối dưa, muối cà, làm nhút cho con dâu đem đi”, chị Thu chia sẻ.

Uyển Hương

Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét