Chuyện tình đẹp khó tin (4): Người đàn ông dành cả tuổi thanh xuân để chăm vợ

“Bà ở đâu, tôi ở đó”

Từ ngày vợ ông Bùi Văn Hồng, 61 tuổi (Kiến Xương, Thái Bình) ốm đau tính đến nay đã tròn 27 năm. Bà Lê Thị Minh mang trong mình nhiều căn bệnh. Ban đầu là căn bệnh viêm cầu thận hành hạ bà, rồi lại đến bệnh tiểu đường. Vài năm trở lại đây, bà suy thận, vợ chồng khăn gói rời bỏ quê hương lên Bệnh viện Bạch Mai chạy thận, giành giật mạng sống.

Ông bà ở trọ cùng những mảnh đời chạy thận khác trong khu tập thể cũ ở phố Phương Mai, (Hoàng Mai, Hà Nội). Chiếc giường nhỏ vừa là chỗ ngủ, không gian sinh hoạt của hai vợ chồng.

Thời con gái, bà Minh không được khỏe mạnh như những cô gái cùng trang lứa. Nhưng lại thuyết phục được bố mẹ ông Hồng bởi bản tính hiền lành. Ông bà đến với nhau theo sự sắp đặt của hai gia đình. Năm 1979, đôi bạn trẻ dọn về một nhà theo đúng nguyện vọng của bố mẹ.

Những ngày đầu, đôi uyên ương thẹn thùng trong những lần ánh mắt vô tình chạm nhau chưa nói đến giao tiếp. Phải mất một thời gian hai người mới gần gũi nhau. Bà quý mến ông bởi tính hiền lành như đất. Năm tháng qua đi, họ nhận ra rằng ngoài tình yêu giữa họ còn tồn tại cả tình nghĩa khi đón chào 3 đứa con thơ. Bà Minh là vợ hiền, dâu thảo.

 Gần 30 năm ông Hồng nắm tay bà Lê Thị Minh chiến đấu với bệnh tật. Ảnh: Ngọc Thi

Gần 30 năm ông Hồng nắm tay bà Lê Thị Minh "chiến đấu" với bệnh tật. Ảnh: Ngọc Thi

Họ chăm sóc, yêu thương nhau trong sự thầm lặng của hành động. Đơn giản như biết bà đi làm đồng về mệt, đi làm về ông chủ động cho con ăn. Thương vợ vất vả, ông chạy ra ao thả lưới bắt cá cải thiện bữa ăn gia đình. Tình yêu của họ không có sự hứa hẹn trong lời nói.

Sẽ êm đẹp lắm nếu như không có sóng gió đến với cặp vợ chồng trẻ. Cuộc sống của gia đình đảo lộn khi cơ thể bà Minh có những biến đổi bất thường. Phụ nữ chưa tròn 30 tuổi nhưng bà đau lưng, không thể ngồi chứ chưa nói đến việc đứng. Kinh tế khó khăn, cơn đau lúc có lúc không nên bà không đi khám.

Dưới cái nắng oi ả, trong buổi gặt ngoài đồng bà Minh hoa mắt rồi ngất lịm. Mấy chị em cùng gặt sốt sắng đưa bà vào bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Bác sĩ kết luận bà bị viêm cầu thận. Lúc đó, con trai lớn nhất của bà trong 10 tuổi, con út 3 tuổi.

Bản thân ông Hồng sức khỏe cũng không tốt, ông tham gia chiến đấu thời chiến, trở về với mảnh đạn gần tim. Mặc dù đã phẫu thuật nhưng mỗi khi trái gió trở trời vết thương đó lại hành hạ, ông là thương binh hạng ¼.

Ngày vợ mắc bệnh ông rất bàng hoàng, nén nỗi đau, người thương binh ấy dành dụm từng đồng lương ít ỏi đưa vợ đi khắp nơi chạy chữa. Hễ ai mách thầy giỏi ông lại dắt vợ đến, không kể đông tây, ngang dọc. Cuộc sống của họ cứ lẳng lặng trôi qua như vậy gần chục năm trời.

Khoảng thời gian ấy, ngày ông đạp xe 2 lần, từ bệnh viện tỉnh về nhà, hơn 60 km chăm vợ rồi tranh thủ về cho đàn con thơ ăn. Nhiều khi người vợ không yên tâm về gia đình, ý muốn chồng ở nhà chăm con, lo đồng áng. Đáp lại lời bà, ông bảo: “Còn nước, còn tát, bà cứ yên tâm chữa bệnh. Bà ở đâu tôi ở đó, con cái tôi nhờ các chú trông nom rồi”.

Nhớ về khoảng thời gian đó, bà Minh nghẹn ngào: “Tôi ốm yếu nên cứ phải nằm viện suốt. Con cái bỏ bê để anh em trông hộ. Ông nhà cũng đi biền biện chăm tôi. Khi bệnh đỡ, tôi về thấy con đứa nào cũng gầy nhom, đen nhẻm mà thương quặn”.

Nguyện cùng vợ “chiến đấu” với bệnh tật

Khi căn bệnh viêm cầu thận đã đỡ thì bà lại mắc bệnh tiểu đường rồi đến bây giờ là chống trọi với căn bệnh suy thận. Đã 4 năm nay, ông bà coi bệnh viện như nhà bởi tuần phải tiến hành chạy thận 3 lần. Mỗi lần bà chạy thận gần 4 tiếng không khi nào vắng bóng ông. Hình ảnh người đàn ông cầm chiêc chậu nhựa đứng cạnh để lỡ vợ nôn chạy ngay ra hứng đã quá quen thuộc ở bệnh viện.

Sức khỏe bà Minh quá yếu, từ trước đến nay bà không còn làm được gì. Mọi việc giặt giũ, nấu ăn đều do ông Hồng đảm nhiệm. Nhiều đêm bà trở dậy, không ngủ được vì cơ thể đau nhức. Những lúc ấy, ông cũng thức theo, xoa bóp chân tay, an ủi động viên để quên đi nỗi đau.

Ông xót xa khi thấy bà không ăn được. Bệnh tật cướp đi của bà hơn 10kg so với thời trẻ, hiện bà chỉ có khoảng 36kg. Nhiều khi ông Hồng phải giỗ dành như trẻ con bà mới cố ăn bởi không có cảm giác ngon miệng. Hễ bà kêu thèm ăn món nào là ông lại vội chạy ra chợ mua nguyên liệu nấu ngay cho bà.

 Những vết thương vết bầm tím ở tay do chạy thận được ông Hồng cẩn thận chăm sóc. Ảnh: Ngọc Thi

Những vết thương vết bầm tím ở tay do chạy thận được ông Hồng cẩn thận chăm sóc. Ảnh: Ngọc Thi

Từ ngày bà Minh Hà Nội chạy thận, ông chỉ về quê mỗi khi có hiếu, hỷ và khi sức khỏe đau yếu. Lúc đó, các con lên Hà Nội chăm bà. Ở nhà ngày ông gọi điện lên đến chục lần để hỏi thăm. Nhiều khi con cái cáu khi ông hỏi quá nhiều. Ông tâm sự: “Tôi về thôi nhưng không yên tâm đâu, bao năm chăm vợ tôi hiểu từ chân tơ kẽ tóc. Biết giờ nào bà ấy hay tỉnh, thích ăn món gì, trời dù nóng bà không thích quạt máy mà phải phe phẩy quạt bằng quạt tay. Buổi chiều bà ấy thích đi bộ, lúc nào tôi cũng kè kè bên cạnh để giám sát, sợ bà ấy hoa mắt lại ngã thì khổ”

Giữa cuộc sống xô bồ, cứ đến ngày bà chạy thận ông lại dậy sớm sửa soạn đồ đạc, cả hai đi bộ đến Bệnh viện Bạch Mai. Có chiếc mũ cối cũng nhường bà đội dù mưa hay nắng. Trong quá trình điều trị tay bà có nhiều vết thương do kim tiêm để lại. Mỗi lần như vậy, ông Hồng lại cẩn trọng mua thuốc sát trùng, băng bó lại.

Những ai đã từng nghe, chứng kiến tấm chân tình của ông bà đều ngưỡng mộ. Không phải tìm kiếm thứ tình cảm xa hoa, ông bà khiến người đời trân trọng thứ tình cảm giản đơn mà cao quý ấy.

Dù nghèo khó nhưng ông Hồng cho biết: “Chúng tôi xác định chiến đấu đến cùng với bệnh tật. Từ giờ đến hết đời bệnh viện như nhà tôi vậy. Kinh tế cũng khó khăn lắm, con cái cũng có gia đình riêng nên cũng chỉ hỗ trợ được một phần. Trước giờ chủ yếu vay mượn người thân tiền chữa bệnh. Bà nhà tôi hay nghĩ lắm những lúc như vậy tôi lại ân cần động viên để bà yên tâm chữa bệnh”.

Chào ông bà chúng tôi ra về khi trời đa nhã nhem tối, tiễn khách ra cửa ông Hồng nhanh nhảu thu dọn quần áo mang đi giặt, không quên bảo vợ nghỉ ngơi. Người đàn ông đó đã gắn tuổi thanh xuân của mình với sự hy sinh thầm lặng như vậy.

Ngọc Thi/Báo Gia đình & Xã hội

Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét